Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ bệnh tật này kia xa vời lắm nên chủ quan mà không biết rằng nó ngay bên cạnh chúng ta và có thể 'ập' đến bất cứ lúc nào. Và hơn hết, mọi người cũng nên biết rõ các dấu hiệu để không chỉ tự cứu mình mà còn để cứu người xung quanh. Mình đã đọc được rất nhiều trường hợp trên báo may nhờ có người thân hiểu rõ mà được cứu sống rồi.
Trong số các vấn đề sức khỏe thì đột quỵ là kinh khủng nhất vì nó đến bất ngờ, không ai nói trước được. Đã có không ít trường hợp 'rời đi nhân thế' vì bị đột quỵ mà không ai biết rồi. Và cũng có nhiều người may mắn được cứu sống nhờ người nhà hiểu biết.
Trường hợp mình vừa đọc được trên báo đây là điển hình.
Nhiều người bị đột quỵ khi đang ăn. Ảnh minh họa, nguồn: TN
Đột quỵ khi đang ăn cơm
Thông tin từ Phụ nữ Việt Nam cho biết: Khi đang ngồi dùng bữa với cả gia đình, người đàn ông 54 tuổi đột ngột không nói được, lả người, liệt nửa người và gục xuống bàn cơm. Trước khi xảy ra sự việc, người đàn ông này vẫn đang rất khỏe mạnh.
Được biết, người này có tiền sử từng bị đột quỵ cách đây 1 năm. Vì thế, ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, người nhà đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, không trả lời được, liệt người phải hoàn toàn. Đo huyết áp của bệnh nhân ở mức thấp, hơi đỏ da ở vùng cổ ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp, phản vệ nặng không rõ loại.
Ngay lập tức, bệnh nhân được tiêm nửa ống Adrenalin bắp. Sau tiêm 5 phút, huyết áp của bệnh nhân về bình thường, tình trạng ý thức và liệt không thay đổi. Bệnh nhân được chuyển đi CT sọ não. Kết quả CT sọ não có hình ảnh tổn thương cũ, không có chảy máu. Bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối.
Ngay sau khi dùng thuốc, bệnh nhân dần tỉnh, liệt không thay đổi. Nhưng sau 2 giờ, cơ lực đã lên, sáng ngày hôm sau chức năng vận động ngôn ngữ đã trở lại bình thường.
Đây không phải lần đầu tiên mà có trường hợp người bị đột quỵ khi ăn cơm. Trước đó, vào năm 2022 cũng xuất hiện trường hợp một người đàn ông 45 tuổi, ở Phú Thọ bị đột quỵ khi đang ăn cơm. Cụ thể, khi đang ăn, người này đột ngột lịm dần và được đưa đến trạm xá cấp cứu nhưng không tiến triển. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết vùng thân não gây chèn ép và phù mô não xung quanh, lan vào não thất tầng trên.
Đang ăn cơm, người đàn ông ngã quỵ. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu
Dấu hiệu đột quỵ, ai cũng cần nhớ
Đột quỵ được ví là 'căn bệnh tử thần thời đại 4.0' vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Song, ở một số nhóm đối tượng với tình trạng sức khỏe tiềm ẩn sẽ có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Những dấu hiệu của đột quỵ gồm:
F (Face) - Khuôn mặt: Người bệnh bất ngờ bị méo mặt lệch về 1 bên, kèm theo méo miệng.
A (Arms) - Cánh tay: Người bệnh có thể bị tê liệt một cánh tay, một bên chân hoặc nửa người.
S (Speech) - Giọng nói: Người bệnh bất ngờ mất khả năng nói, không gọi được người xung quanh mà chỉ phát ra tiếng ú ớ hoặc nói ngọng.
T (Time) - Thời gian: Khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào như trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để có thể được hướng dẫn cấp cứu đúng cách, và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu và điều trị nhồi máu não tránh lãng phí thời gian.
2 nhóm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
BSCKI Phạm Văn Cường (Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Đột quỵ có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gồm:
+ Nhóm nguy cơ không thể thay đổi như bệnh lý mạn tính tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu...
+ Nhóm nguy cơ có thể thay đổi được là các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc, ăn nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, lười vận động, thức khuya…
Theo BS. Cường, để phòng ngừa đột quỵ cần:
+ Với người có bệnh lý nền: Kiểm soát tốt bệnh lý đang có kết hợp với lối sống lành mạnh.
+ Với người trẻ, cần giảm bớt các thói quen xấu, thậm chí phải từ bỏ thói quen như hút thuốc, tăng cường rèn luyện thể lực.