Sáng nay mình lướt tin tức trên báo thấy thông tin Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó hướng dẫn cụ thể về cách ly F0, F1 tại nhà các mẹ ạ.

Sau khi tìm hiểu, mình mới biết WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo khi cách ly bệnh nhân nCoV tại nhà rồi đấy các mẹ ơi.

Vậy theo WHO thì người có kết quả dương tính nCoV có thể ở nhà không?

Theo WHO thì những người đủ điều kiện cách ly ở nhà bao gồm:

Những người không có triệu chứng có thể ở nhà, nếu được cách ly đầy đủ với những người khác, điều này phải được bác sĩ xác nhận.

Những người mắc bệnh nhẹ hoặc trung bình có thể được xem xét chăm sóc tại nhà nếu như dưới 60 tuổi, không béo phì, không hút thuốc lá, không mắc các bệnh khác như đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, bệnh thận, ung thư, suy giảm miễn dịch.

Nhân viên y tế sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ cùng các triệu chứng, tiền sử bệnh và khả năng quản lý chăm sóc của gia đình. Ngoài ra, các thành viên trong nhà cần hạn chế không gian chung và giữ gìn vệ sinh theo khuyến cáo, đồng thời cần biết cách nhận biết, ứng phó với các dấu hiệu sức khỏe xấu đi của người bệnh.

Nhân viên y tế đánh giá xem ngôi nhà có phù hợp để cách ly và chăm sóc bệnh nhân nCoV hay không và các biện pháp kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm thích hợp. Người này sẽ hỗ trợ người bệnh và gia đình tại nhà hoặc qua điện thoại.

hình ảnh

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

10 việc cần làm để ngăn ngừa lây nhiễm nCoV trong gia đình trong thời gian cách ly tại nhà theo hướng dẫn của WHO như sau:

1. Người bệnh nên ở một phòng riêng biệt. Nếu không thể, cần giữ khoảng cách ít nhất 1m với họ. Bệnh nhân và bất kỳ ai khác ở cùng phòng đều phải đeo khẩu trang y tế.

2. Bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế càng nhiều càng tốt, nhất là khi không ở 1 mình trong phòng và không thể duy trì khoảng cách ít nhất 1m với những người khác.

3. Đảm bảo thông thoáng trong phòng của bệnh nhân và các không gian chung, đồng thời nên mở cửa sổ nếu có thể.

4. Bệnh nhân nên có bát đĩa, khăn tắm và ga trải giường riêng. Đồ dùng của người bệnh cần được giặt rửa sạch bằng xà phòng và không dùng chung với người khác.

5. Khi ho hoặc hắt hơi nên lấy tay che miệng hoặc khăn giấy dùng 1 lần và loại bỏ ngay sau khi sử dụng.

6. Các bề mặt mà bệnh nhân thường xuyên chạm vào phải được làm sạch và khử trùng hàng ngày.

7. Người chăm sóc và các thành viên trong gia đình nên đeo khẩu trang y tế khi ở cùng phòng với bệnh nhân, không chạm vào khẩu trang hoặc mặt của người bệnh, vứt bỏ khẩu trang sau khi ra khỏi phòng và rửa tay sạch sẽ sau đó.

8. Mọi người trong nhà nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là sau khi hắt hơi, ho, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân, tay bẩn.

9. Rác trong phòng của bệnh nhân nên được đóng gói trong các túi kín chắc chắn trước khi thải bỏ.

10. Khách đến thăm không được phép vào trong nhà.nCoV không có bệnh nền.

Vậy những người nhiễm nCoV nên ở nhà và cách ly trong bao lâu?

Theo WHO thì các F0 được chăm sóc tại nhà nên cách ly cho đến khi họ không còn khả năng truyền virus cho người khác, cụ thể:

Những người có triệu chứng: Nên cách ly ít nhất 10 ngày sau ngày đầu tiên xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus SARS CoV-2, cộng thêm 3 ngày nữa sau khi hết triệu chứng (không sốt, không có các triệu chứng về hô hấp).

Những người không có triệu chứng nCoV nên cách ly ít nhất 10 ngày sau khi xét nghiệm dương tính.

hình ảnh

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ngoài ra, nệnh nhân hoặc người nhà của người bệnh cần theo dõi sát để kịp nhận biết các triệu chứng xấu đi, cần gọi cấp cứu bao gồm:

- Khó thở.

- Mất tỉnh táo.

- Đau tức ngực dai dẳng.

- Môi, da, móng tay nhợt nhạt hoặc tái xanh.

Nguồn: Tổng hợp