Ai trong chúng ta cũng từng bị bong gân ít nhất một lần bởi đây là tai nạn rất dễ gặp trong cuộc sống. Bong gân có thể là do chạy nhảy, chơi đùa, tập thể thao… dẫn đến khớp trật ra khỏi vị trí bình thường. Và những lúc như thế này thì mẹo dân gian từ ‘cây nhà lá vườn’ sẽ là bài thuốc hữu hiệu nhất để chữa bong gân.


Theo PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc cho biết, bong gân là tình trạng tổn thương của bao khớp, phổ biến nhất là các dây chằng, thường xảy ra sau động tác va chạm quá mạnh nhưng không gây ra trật khớp hoặc gãy xương.


Người ta phân chia 3 mức độ nặng nhẹ của bong gân. Ở mức độ 1, dây chằng bị rách một phần nhỏ, thường hồi phục sớm trong khoảng 1 tuần. Ở mức độ 2, dây chằng bị rách nhiều hơn và cần đến 2-3 tháng để hồi phục. Ở mức độ 3, dây chằng bị đứt hoàn toàn, có thể gây lỏng lẻo khớp hoặc trật khớp, cần phải được sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.


Vì thế, những bài thuốc sau đây chỉ được áp dụng khi bong gân ở cấp độ 1.


Ảnh minh họa


Chữa bong gân bằng cây nhà lá vườn theo mẹo dân gian.


- Lá cây nhãn sấy khô, giã nát, trộn với bột chín làm thành hồ, đắp vào chỗ đau. Ngày đắp 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 tiếng.


- Dây bí ngô 50g, gừng tươi 20g, giã nát đắp vào chỗ đau, có thể dùng băng để cố định thuốc tại chỗ đau, thỉnh thoảng nhỏ thêm ít rượu loãng vào miếng thuốc đắp. Ngày đắp 2 lần, đắp trong khoảng 2-3 ngày.


- Gừng tươi gọt vỏ, đâm nát rồi trộn với đường ăn đắp vào chỗ đau, buộc lại để qua đêm. Sáng hôm sau vết thương sẽ xẹp, hết nhức, hết đau và trở lại bình thường.


- Dùng lá cây bông sứ rửa sạch, giã nhuyễn, trộn với một ít muối ăn rồi đắp lên chỗ sưng do bong gân. Làm như vậy ngày 1-3 lần trong vòng 1-2 ngày là khỏi.


- Lá si, lá ngải cứu, lá cúc tần... mỗi loại 50g. Tất cả giã nhỏ, cho thêm một chút giấm ăn rồi đun sôi. Khi nào hỗn hợp này nguội thì cho thuốc này lên trên chỗ bị thương và băng lại để nước thuốc ngấm vào sâu. Mỗi ngày thay băng một lần. Làm trong 2-3 ngày.


Ảnh minh họa


- Lá tầm gửi 100g, lá gấc 30g, gạch non giã vụn 15g. Tất cả giã nhỏ, dàn đều lên lá bàng hoặc lá chuối rồi đắp lên chỗ bị thương và băng chặt để nước thuốc ngấm vào sâu. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Tùy theo tổn thương nặng hay nhẹ mà dùng trong vài ngày.


- Rau hẹ tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp vào chỗ tổn thương. Ngày đắp 1-2 lần. Đắp đến khi chỗ tổn thương đỡ sưng đau.


Sơ cứu bong gân đúng cách.


Khi bị bong gân nếu khôngđược xử lý đúng cách có thể dẫn đến bị teo cơ, cứng khớp hay xơ hóa dây chằng gây đau mãn tính vì vậy, trước khi đắp lá, chúng ta phải làm các bước sau:


- Dừng mọi hoạt động ở vùng khớp bị tổn thương.


- Chườm đá lạnh lên vùng chi bị bong gân. Ngoài ra có thể thay bằng khăn lạnh, khăn ướt hoặc túi chườm đổ đầy nước lạnh để hạn chế sưng sau khi bị bong gân.


- Mỗi lần chườm đá khoảng 10-20 phút, có thể chườm đá liên tục sau 30 phút. Chườm lạnh càng sớm càng tốt vì sẽ giúp làm dịu cơn đau, giảm sưng phù nề vùng bị bong gân.


Ảnh minh họa


- Băng ép vùng bị bong gân bằng các loại băng co giãn, bản rộng. Nên quấn vòng quanh vùng tổn thương, các mép băng chồng lên nhau ½ đến 2/3 bề dày băng. Khi băng, chú ý không băng quá chặt vì sẽ hạn chế khả năng lưu thông máu, sưng nề vùng chi ở dưới nơi tổn thương.


- Nâng cao chi bị bong gân mỗi khi có thể để ngăn ngừa hoặc hạn chế sưng. Có thể dùng băng treo tay nếu bong gân ở tay hoặc nằm gối chân cao bằng gối mềm nếu bong gân ở chân.


Trong một số trường hợp, khi thấy bệnh nhân bị bong gân nặng cần được thăm khám càng sớm càng tốt.