Chỗ làm em có chị bị viêm gan B, gọi là chị M đi. Chị này cũng vô tư đi tâm sự, kể với tất cả đồng nghiệp về bệnh tình của mình. Kết quả là mọi người bàn tán, lo sợ lây nhiễm nếu tiếp xúc hay dùng chung vật dụng với chị M nên ngày càng xa lánh chị.
Đỉnh điểm là hôm qua, vào giờ ăn trưa, có một người hỏi ai có bát không cho anh ấy mượn thì chị M có đưa bát đũa của mình (bát sạch) cho anh đấy nhưng anh lại từ chối không dùng. Lúc này, mọi người mới hùa vào trêu bảo sợ bị lệnh bệnh à. Khỏi phải nói, chị M tối sầm mặt lại, bỏ đi ra ngoài.
Em tức quá mới nói to lên rằng: "Viêm gan B không lây nhiễm khi dùng chung đồ, mọi người bị làm sao thế?". Sau đấy, em có gửi hẳn một bài báo có lời giải thích từ bác sĩ về vấn đề này vào nhóm chung cho mọi người đọc và hiểu rõ, đồng thời yêu cầu mọi người xin lỗi chị M.
Ảnh: Internet
Phải công nhận, lên mạng tìm kiếm thông tin mới thấy có quá nhiều người thắc mắc dùng chung bát đũa với người bị viêm gan B có lây không?. Em tin rằng ở đây cũng có không ít người còn đang hiểu nhầm nên sẽ chia sẻ lên để mọi người cùng đọc nhé!
Dùng chung bát đũa với người viêm gan B có bị lây bệnh không?
Virus viêm gan B (HBV) gây ảnh hưởng và phá hủy gan nặng nề. Đây là bệnh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể khỏi hoàn toàn còn nếu phát hiện muộn, không được chữa đúng cách thì dễ chuyển thành viêm gan mạn tính, dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Bàn về vấn đề "viêm gan B có lây nhiễm khi dùng chung đồ vật không?" thì GS.BS Nguyễn Văn Mùi (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Chủ tịch Hội đồng xây dựng phác đồ điều trị viêm gan virus áp dụng trên toàn quốc) cho biết, đây là một hiểu lầm tai hại.
Theo GS Mùi, không có chuyện HBV lây nhiễm khi dùng chung bát đũa, khăn mặt... hay bắt tay, ôm hôn bệnh nhân. Hiểu lầm này đang gây ra sự kì thị không đáng có với những người đang mắc bệnh viêm gan B trong khi họ đang là đối tượng cần chia sẻ, động viện.
“Ngay cả việc thăm nhà của bệnh nhân HBV hay chơi đùa trẻ nhỏ bị bệnh cũng không thể lây nhiễm được", GS Mùi nhấn mạnh.
Ảnh: Internet
Virus viêm gan B lây qua đường nào?
Viêm gan B không lây qua tiếp xúc thông thường mà chủ yếu lâu qua các con đường sau:
- Đường máu (truyền máu, dùng chung kim tiêm)
- Lây từ mẹ sang con
- Lây do quan hệ "yêu đường" không sử dụng biện pháp bảo vệ
Tuy nhiên, theo GS Mùi, những con đường lây nhiễm này đã có cách khống chế, đó là tiêm vắc xin viêm gan B. Nếu mẹ bị viêm gan B thì trẻ sơ sinh cần được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B ngay trong phòng sinh là được. Do đó mọi người không nên quá lo sợ mà hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn thận.
Đồng thời, mọi người phải đi khám ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường (nổi ban, đau khớp, mệt mỏi, vàng da, nước tiểu đậm màu, ngứa ngáy, chán ăn...) vì viêm gan B được điều trị khỏi khi phát hiện sớm đấy nhé!
Nguồn: Tổng hợp