Bại não (cerebral palsy) còn được gọi là liệt não dùng để chỉ một nhóm tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sự kiểm soát các vận động cũng như tư thế. Do một hoặc nhiều phần của bộ não có chức năng điều khiển cử động bị tổn thương. Người bệnh không thể cử động các cơ của mình một cách bình thường.


Triệu chứng diễn ra từ nhẹ tới nặng, gồm cả những dạng thức tê liệt. Nói một cách khác, bại não là một bệnh tĩnh, nghĩa là các tổn thương đã định hình và không tiến triển xấu hơn nữa.


Rất nhiều trẻ bị bại não thường có kèm theo các tình trạng bệnh khác cần phải được điều trị. Trong những vấn đề đó có vấn đề chậm phát triển trí tuệ; rối loạn khả năng học tập; động kinh; và những vấn đề về thị giác, thính giác và ngôn ngữ.



webtretho


Trẻ bị bại não gặp vấn đề chậm phát triển trí tuệ; rối loạn khả năng học tập; động kinh; và những vấn đề về thị giác, thính giác và ngôn ngữ. Ảnh minh họa


Nguyên nhân dẫn đến bệnh bại não ở trẻ nhỏ?


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh bại não ở trẻ em:



Nhiễm khuẩn trong thời kỳ mang thai như Rubella (sởi Đức), bệnh do vi-rút cự bào, nhiễm toxoplasmosis, có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não sau này.


Thiếu oxy não bào thai, xảy ra trong trường hợp nhau thai bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh, có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho bào thai.


Biến chứng trong quá trình chuyển dạ làm cho trẻ sơ sinh bị ngạt là nguyên nhân gây ra khoảng 10% các trường hợp bại não.


Trẻ sinh non nhẹ cân có nguy cơ mắc bệnh bại não nhiều hơn những trẻ sinh đủ tháng gấp 30 lần.


Bất đồng nhóm máu Rh giữa người mẹ và bào thai có thể gây tổn thương não dẫn đến bại não.


Những dị tật bẩm sinh, trẻ có những bất thường về cấu trúc não, mắc bệnh di truyền... đều làm tăng nguy cơ bại não.


Có một số trẻ bị bại não mắc phải sau khi sinh, do tổn thương não bộ xảy ra trong 2 năm đầu. Nguyên nhân phổ biến nhất của các tổn thương này là: nhiễm khuẩn não và chấn thương vùng đầu


Các thể bại não:



Bại não thể co cứng: Chiếm 70-80%, với biểu hiện co cứng các cơ, cử động khó khăn. Có trường hợp liệt cứng tứ chi và liệt cả cơ điều khiển mồm và lưỡi. chậm trí.


Bại não thể loạn động: Chiếm 20% với đặc trưng là trương lực cơ thay đổi thất thường( lúc tăng, lúc giảm) và đôi khi có các cử động không kiểm soát được.


Bại não thể thất điều: Chiếm 10%, ảnh hưởng đến khả năng cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Người bệnh có thể đi lại nhưng không vững và gặp khó khăn với những cử động cần có sự phối hợp chính xác như viết…


Các thể ít gặp hơn: Thể nhẽo, thể múa vờn…


Triệu chứng của trẻ mắc bệnh bại não là gì?


Các triệu chứng của bệnh bại não rất đa dạng, tình trạng bệnh không trở nên nặng hơn theo thời gian nhưng các triệu chứng đặc trưng có thể thay đổi trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Một vài dấu hiệu ban đầu khi trẻ mắc bệnh bại não mà cha mẹ cần lưu ý:


Trẻ < 6 tháng:



Cảm giác trẻ trở nên co cứng hay mềm nhũn.


Khi cha mẹ ẵm bé sẽ có cảm giác như bé cố đẩy mình ra xa.


Khi đặt bé nằm ngửa, đầu của bé có xu hướng thụt lại đằng sau.


Trẻ > 6 tháng:



Không lăn qua một trong hai hướng khi nằm.


Không đan 2 tay vào nhau được.


Gặp khó khăn khi cho tay vào miệng.


Chỉ có thể chìa 1 tay ra trong khi tay kia nắm lại.


Trẻ > 1 tuổi:



Không bò được.


Không tự mình đứng dậy được kể cả khi có điểm tựa.


Khi nghi ngờ con bị bệnh bại não bạn cần đưa con đi khám bác sỹ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bại não không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên các triệu chứng và các khuyết tật có thể được giảm bớt đáng kể bằng phương pháp vật lý trị liệu, trị liệu vận động, tư vấn tâm lý và phẫu thuật. Vật lý trị liệu giúp trẻ em phát triển cơ bắp khỏe mạnh hơn và có thể thực hiện các động tác như đi bộ, ngồi, và giữ thăng bằng. Các loại thiết bị đặc biệt, chẳng hạn như niềng răng và nẹp, cũng có thể giúp ích cho trẻ.


Với trị liệu vận động, trẻ sẽ phát triển được các kỹ năng vận động, chẳng hạn như bé biết tự mặc quần áo, tự xúc và ăn thức ăn và tập viết. Trị liệu ngôn ngữ sẽ giúp trẻ học được kỹ năng nói.


Gia đình nên đưa trẻ đến các trường học đặc biệt hoặc các dịch vụ xã hội được thiết kế đặc biệt dành riêng cho trẻ bại não để trẻ phát triển và điều trị tốt hơn. Ngoài ra, để phòng tránh cho trẻ không bị bại não thì các bà mẹ trong lúc mang thai cần được thăm khám thường xuyên và tiêm phòng vacxin đầy đủ.


BS. Đỗ Ngọc Hợp - Giảng viên Học viện quân y