Ở đây đã chị nào biết cách sơ cứu cho trẻ khi chẳng may chúng bị bỏng chưa? Em vừa đọc được một bài báo chia sẻ về việc một người mẹ có con nhỏ bị bỏng nhưng không đưa đi bệnh viện ngay mà làm một việc trước tiên, mặc cho cả gia đình phản đối. Đọc xong em mới thấy mình hiểu biết vẫn hạn hẹp lắm, phải lên đây kể cho các chị, mình cùng ghi nhớ cách làm đúng nhất để nếu có rơi vào trường hợp này thì áp dụng ngay nhé!



Chuyện là mẹ của bé Tiểu Cường (Hàng Châu, Trung Quốc) bế con vào phòng tắm như mọi ngày. Vì sợ con sẽ ngồi vào chậu nước nóng nên cô ấy đã để bé ngồi bên cạnh để chờ mẹ pha nước tắm. Tuy nhiên, đúng lúc chị quay đầu lại để ném bỉm vào thùng rác thì em bé đã túm lấy vòi hoa sen đang chảy nước nóng khiến nước dội thẳng lên mặt làm Tiểu Cường bị bỏng nặng.


Vì sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời, nhiệt độ lên tới 100 độ C nên nước trong vòi hoa sen rất nóng. Tiểu Cường bị bỏng thì bắt đầu la hét ầm ỹ, mọi người trong nhà đều rất hoảng loạn và nói phải đưa Tiểu Cường đi bệnh viện ngay lập tức. Thế nhưng, người mẹ lại vội vã cho Tiểu Cường rửa vết thương dưới vòi nước lạnh rồi mới đưa cậu bé đi bệnh viện.




Sau khi được cấp cứu, bác sỹ xem xét vết thương của Tiểu Cường và khen ngợi người mẹ đã làm điều rất đúng đắn. Theo đó, việc dùng nước lạnh ngay khi trẻ bị bỏng sẽ giúp làm giảm nhiệt độ bề mặt da bị bỏng, làm dịu cơn nóng và giảm thiểu cảm giác đau đớn. Mẹ Tiểu Cường nói rằng mình học được cách này trên tivi, thông qua một vụ tai nạn bỏng ở trẻ em khác nên đã ghi nhớ lại.


Đấy, chỉ cần hiểu biết một chút là có thể cứu con mình qua được cơn nguy kịch, chị em mình cũng phải ghi nhớ kỹ cách này. Mà mọi người phải tuyệt đối không được hoảng loạn, vội vàng cởi bỏ quần áo dính trên người trẻ khi trẻ bị bỏng nhé, bởi nó sẽ làm không ít phần da trên vết thương bị bỏng rộp thêm đấy.




Theo các bác sỹ, khi trẻ bị bỏng sẽ tổn thương vùng đầu, mặt, cổ rồi tới ngực, lưng. Khi bị bỏng thì đầu tiên phải rửa bằng nước lạnh khoảng 15 phút, sau đó mới cởi bỏ quần áo ra và đưa tới bệnh viện, không được tự ý dùng thuốc hay dùng các loại lá cây thảo mộc vì đã có những trường hợp do làm không đúng khiến trẻ bị nhiễm trùng, ốm sốt cao, thậm chí là co giật.


CHÚ Ý: Không nên nhầm lẫn giữa nước lạnh bình thường và đá lạnh. Bởi khi bị bỏng, nếu chườm đá lạnh sẽ gây mất nhiệt cơ thể do các tinh thể đá đông. Ướp đá vào vết bỏng sẽ khiến vết thương bị tổn tương, hoại tử, dẫn tới bỏng lạnh, tình trạng càng nặng thêm.


Ngoài ra, còn một số điều cần lưu ý như sau:


- Khi trẻ bị bỏng, sau khi rửa nước lạnh thì nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bị bỏng như giày, dép, vòng tay vòng chân trước khi vết bỏng sưng nề


- Dùng bông gạc che phủ vùng bỏng


- An ủi và cho trẻ uống nước, đặt ở tư thế nằm


- Nếu vết bỏng nhỏ, nhẹ thì có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sỹ, còn nếu vết thương lớn, toàn thân do bỏng nước sôi, cháy... thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để kịp thời điều trị.