Sáng nay em lại vào mạng đọc thông tin về Covid-19 thì thấy con số mắc bệnh tăng từng ngày đến "chóng mặt". Cho đến sáng 9/4, toàn thế giới có 1.513.304 người mắc bệnh và 88.405 người tử vong, trong đó riêng Mỹ đang là quốc gia đứng đầu về số ca lây nhiễm là 430.271 với 14.738 người qua đời rồi đó các mẹ ạ.
Thế nhưng trong một bài viết khác, chuyên gia lại cảnh báo nước Anh có thể là vùng dịch chết chóc nhất châu Âu mới sợ chứ. Hiện quốc gia này đang có 55242 ca nhiễm và 6159 ca qua đời. Đáng chú ý, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 5/4 đã được đưa vào Bệnh viện St Thomas ở London do có các triệu chứng dai dẳng sau khi xác nhận dương tính với Covid-19 vào ngày 26/3 và tự cách ly tại nhà.
Một bệnh nhân đang được chuyển tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: internet
Vì sao chuyên gia cảnh báo Anh có thể là vùng dịch c.h.ế.t chóc nhất châu Âu?
Đây là cảnh báo của các chuyên gia từ Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) tại Seattle (Mỹ). Theo đó viện này vừa công bố nghiên cứu dự đoán rằng: Anh sẽ ghi nhận khoảng 66.000 ca qua đời do dịch COVID-19 vào tháng 8 tới, với mức tăng cao nhất là gần 3.000 người/ngày.
Các nhà nghiên cứu IHME cũng dự đoán đỉnh dịch tại Anh sẽ rơi vào ngày 17/4 tới đây. Nghiên cứu này dựa trên thực tế số ca mắc bệnh tăng mỗi ngày ở Anh và thời điểm nước này áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội.
Một trong các lý do được đưa ra có liên quan đến tranh luận về khả năng "miễn dịch cộng đồng" từng nổ ra tại Anh. Chính điều này đã khiến nước Anh chậm chễ trong việc "giãn cách xã hội", quốc gia này chỉ bắt đầu cho áp dụng các biện pháp này từ ngày 23/3, khi mỗi ngày chứng kiến số ca tử vong trung bình là 54 người. Trong khi đó, Bồ Đào Nha khi mới chỉ có một ca tử vong vì COVID-19 thì đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Dựa trên các biện pháp Anh đã áp dụng để ngăn cản sự lây lan virus corona, IHME dự đoán đỉnh dịch sẽ diễn ra vào ngày 17/4, thêm rằng Anh khi ấy sẽ cần hơn 102.000 giường bệnh. Nước này hiện chỉ có gần 18.000 giường bệnh, còn thiếu khoảng 85.000 giường so với tính toán của IHME.
Bức tranh tương tự xảy ra với nhu cầu giường chăm sóc đặc biệt, khi họ sẽ cần 24.500 giường chăm sóc đặc biệt và gần 21.000 máy trợ thở cho các ca nguy kịch. IHME cho biết khi đỉnh dịch xảy ra, sẽ có gần 2.932 người chết mỗi ngày ở Anh.
Trong khi đó theo IHME, số ca tử vong ở các nước châu Âu khác sẽ thấp hơn Anh. IHME dự đoán Tây Ban Nha, Italy và Pháp sẽ lần lượt ghi nhận số người qua đời là 19.209, 20.300 và 15.058. Đây đều là 3 quốc gia đã áp đặt các biện pháp phong toả quyết liệt hơn chính phủ Anh.
Học sinh phản ứng khi rời khỏi một trường cấp hai ở Odiham, phía tây London vào ngày 20/3 khi các trường bắt đầu đóng cửa do đại dịch Covid-19. Ảnh: internet
Cảnh báo của IHME vấp phải sự phản đối
Các dự đoán mới của IHME về tình hình dịch bệnh nước Anh đang vấp phải nhiều phản đối bởi các nhà khoa học cố vấn về dịch bệnh cho chính phủ Anh. Giáo sư Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London khẳng định số liệu của IHME về "nhu cầu điều trị y tế", bao gồm số người qua đời và số giường bệnh cần có ở Anh, cao gấp đôi mức cần thiết.
Đề cập tới nghiên cứu của IHME, vị giáo sư này cho hay: "Mô hình này không phù hợp với tình hình hiện tại của Anh".
Trước đó hồi tháng 3, nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London cũng đưa ra dự đoán về mô hình phát triển dịch bệnh cho chính phủ Anh, trong đó cảnh báo nước này có thể ghi nhận 260.000 người qua đời nếu không hạn chế đi lại. Tuy nhiên, các chuyên gia Anh cho rằng con số này sẽ giảm xuống còn 20.000 nhờ các lệnh phong toả nghiêm ngặt ở quốc gia này.
Tài liệu tham khảo:
https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/anh-co-the-la-vung-dich-chet-choc-nhat-chau-au-20200408193842265.htm
Nguồn: Tổng hợp