Thận là cơ quan chuyên trách việc lọc và loại bỏ độc tố khỏi máu và đẩy chúng ra ngoài cơ thể. Đồng thời, cơ quan này cũng có chức năng duy trì cân bằng muối, điện giải, điều chỉnh huyết áp, loại bỏ nước dư thừa ra ngoài… Do đó, nếu cơ quan này mà có hỏng hóc thì sẽ rất tai hại vì ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác.
Cơ thể muốn khỏe mạnh thì thận cũng phải khỏe cái đã. Một khi thận bị tổn thương thì sẽ dễ bị bệnh như sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận, ung thư thận… Bệnh nào cũng nguy hiểm, tốn rất nhiều tiền, có khi còn phải thay thận thì may ra mới có cơ hội sống.
Nguyên nhân gây ra bệnh thận thì vô vàn nhưng các chuyên gia nói rằng nó chủ yếu liên quan tới các thói quen hàng ngày. Ngoài việc uống rượu, hút thuốc – 2 hành động gây hại đủ đường thì còn có những nguyên nhân khác.
Mình đọc báo thì thấy Tổ chức Thận học Quốc gia Mỹ có liệt kê ra những thói quen cụ thể. Có những cái mà mọi người thường làm mỗi ngày và không nghĩ là có hại đâu.
Thận rất dễ bị tổn thương. Ảnh minh họa, nguồn: QQ
Ăn mặn, ăn đồ nhiều muối
Người Việt trước giờ vẫn giữ thói quen ăn gì cũng có bát nước mắm bên cạnh bất kể trên mâm cơm có món luộc hay không. Ai cũng nghĩ đó là điều bình thường, là ‘truyền thống ăn uống’ nhưng nó thực sự rất có hại cho thận.
Bởi, khi đi vào cơ thể, thận sẽ tiến hành chuyển hóa và hấp thu. Do đó, bạn ăn càng mặn thì thận phải làm việc càng nhiều. Nếu thận bị quá tải thì sẽ bị tổn thương và sinh bệnh.
Đó là chưa kể việc ăn mặn còn dễ làm tăng huyết áp, khiến máu ở thận không thể duy trì ở mức bình thường và gây ra bệnh thận.
Vì thế, mọi người chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày theo khuyến cáo của WHO.
Thường xuyên ăn đồ chế biến sẵn
Xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp… tuy ngon miệng song hàm lượng natri và photpho rất cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người khỏe mạnh cũng nên hạn chế nạp photpho vào cơ thể vì nó có thể khiến thận suy yếu và sinh bệnh.
Mặt khác, trong các loại đồ ăn này còn có chứa nhiều chất bảo quản, không có lợi cho sức khỏe.
Ăn quá nhiều thịt
Protein động vật sẽ tạo ra lượng lớn axit trong máu. Nếu thận không kịp thời loại bỏ hết lượng axit này ra kịp thời thì sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm axit, không tốt cho sức khỏe của thận.
Do đó, tốt nhất bạn cần có chế độ ăn uống cân bằng nhiều rau ít thịt.
Không uống đủ nước
Không ít người vì ngại đi vệ sinh nên thường chỉ uống nước khi khát. Trong khi đó, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên uống trước khi có cảm giác khát. Bởi, khi khát tức là cơ thể đang bị thiểu nước. Mà một khi cơ thể thiếu nước thì thận sẽ không thể hoạt động đúng cách dẫn tới mất cân bằng nước và điện giải.
Hơn nữa, hoạt động lọc thải độc tố cũng cần nước để làm. Do đó, nếu không có đủ nước thì độc tố sẽ tích lại trong thận và gây hại cơ cơ quan này.
Nhịn đi tiểu
Công việc bận rộn hoặc vì lý do nào đó mà nhiều người hay nhịn, chờ tới khi không thể chịu đựng được nữa mới đứng dậy đi. Thế nhưng việc nhịn tiểu khiến các loại vi khuẩn sản sinh và sống trong bàng quang suốt thời gian bạn nhịn tiểu.
Điều này vô tình tạo cơ hội cho chúng xâm nhập vào thận thông qua niệu đạo. Từ đó dẫn tới bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm bể thận. Những bệnh này nếu không điều trị sớm sẽ dẫn tới nhiễm trùng thận mãn tính. Khi đó, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Có những thói quen xấu rất dễ gây hại thận. Ảnh minh họa, nguồn: Sina
Thức khuya
Thức khuya do mất ngủ hoặc bất kỳ lý do nào cũng đều nguy hại cho sức khỏe. Nó không chỉ hại cho thận mà hại cho rất nhiều cơ quan khác. Lý do là vì thời gian ngủ là lúc mà thận và các cơ quan khác tiến hành đào thải độc tố, sửa chữa, phục hồi những tổn thương. Do đó, nếu thức khuya thì chức năng thận sẽ bị rối loạn và quá tải, cuối cùng sinh bệnh.
Lạm dụng các loại thuốc giảm đau
Thuốc nào cũng thế, dù tốt tới bao nhiêu thì cũng có 3 phần độc. Vì thế, nếu không phải trường hợp bất đắc dĩ thì hãy hạn chế các loại thuốc giảm đau do chúng rất hại gan, thận.
Lý do là vì thuốc giảm đau khiến gan, thận phải làm việc nhiều hơn để xử lý các chất có trong thuốc.
Ngồi nhiều
Ngồi nhiều, lười vận động chính là yếu tố có liên quan tới sự hình thành và phát triển của bệnh thận.
Mặc dù hiện nay các chuyên gia vẫn chưa giải thích được tại sao nhưng hoạt động thể chất sẽ giúp cải thiện huyết áp vầ chuyển hóa glucose. Đây là 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của thận.
Luyện tập quá sức
Ít vận động thì không có lợi nhưng nếu vận động quá sức thì cũng chẳng tốt lành gì cho thận. Bởi, tập luyện quá sức trong thời gian dài có thể gây tiêu cơ vân khiến cơ bắp bị thương. Lúc này, hàm lượng các sợi cơ bị tiêu diệt sẽ chảy ngay vào máu và dẫn tới biến chứng nguy hiểm, trong đó có suy thận.
Không chú ý khi bị cảm cúm thông thường
Với chúng ta, việc bị ho, cảm lạnh, cúm, viêm amidan là quá bình thường, không có gì đáng lo cả, thường thì sẽ chỉ ít ngày là hết kể cả khi không dùng thuốc. Bởi, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại.
Tuy nhiên, các kháng thể này là protein. Chúng thường lắng đọng trong các bộ phận lọc của thận và rất dễ gây viêm.
Vì thế, nếu tình trạng bệnh cứ kéo dài thì thận có thể bị tổn thương nghiêm trọng.
Những thông tin mà báo chí đăng tải đều là khuyến cáo của chuyên gia. Vì thế, để cơ thể luôn khỏe mạnh, mọi người hãy quan tâm, chăm sóc sức khỏe của thận nhiều hơn nữa. Bởi, một khi bị tổn thương ở thận thì sẽ ảnh hưởng tới các chu trình khác trong cơ thể.
Đó là chưa kể nếu tổn thương kéo dài mà bị suy thận thì sẽ phải lọc máu, chạy thận cả đời. Việc này không chỉ gây tốn kém mà còn khiến người bệnh mệt mỏi. Với lại, làm gì có ai muốn sống trong bệnh viện suốt đâu.