Các mẹ ạ, giờ yêu thương cũng phải có hiểu biết mới được, nếu không là tình yêu thương ấy dễ biến thành ‘công cụ’ hại người lắm đọ. Như câu chuyện mình vừa đọc được trên báo nè các mẹ, cũng vì thương chồng mà cuối cùng lại thành hại chồng. Khổ, chắc người phụ nữ này sẽ hối hận và day dứt lắm.
Thương chồng, vợ lén cho ăn thêm cơm khiến chồng bị đột quỵ
Đó là trường hợp của bệnh nhân nam năm nay 46 tuổi có tiền sử bị tiểu đường, tăng huyết áp. Bệnh nhân đã được đi khám và bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị chuẩn, kê thuốc và yêu cầu phải ăn nhạt, hạn chế muối, tinh bột và đồ ngọt để kiểm soát đường huyết và huyết áp.
Bệnh nhân bị đột quỵ ở BV Bạch Mai. Ảnh: Internet
Thế nhưng, vì thương chồng, sợ chồng đói nên người vợ đã lén cho chồng ăn thêm nhiều cơm hơn so với chỉ định của bác sĩ. Đồng thời chị còn cho chồng ăn thêm khoai lang hoặc bát phở to nhiều bánh.
Hậu quả của việc yêu thương mù quáng, thiếu kiến thức này đã xảy ra lập tức là khiến anh chồng phải cấp cứu do bị đột quỵ nhồi máu não. Dù đã được điều trị tích cực, thế nhưng tới nay bệnh nhân vẫn bị liệt một bên chân không thể hồi phục được dù vẫn đang trong giai đoạn tích cực tập phục hồi chức năng.
Theo các bác sĩ từ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai thì người bị tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 2 – 4 lần bình thường. Tăng đường huyết sau ăn chính là yếu tố khiến tình trạng xơ vữa động mạch phát triển. Một khi khối xơ vữa phát triển nhanh sẽ gây nghẽn hoặc tắc nghẽn mạch máu. Từ đó gây ra đột quỵ.
PGS. TS Mai Duy Tôn (GĐ Trung tâm Đột quỵ) cho biết: Mặc dù hiện nay truyền thông về đột quỵ khá nhiều nhưng người dân lai chưa nắm được các kiến thức cơ bản. Thậm chí có nhiều thông tin truyền miệng về cách sơ cứu, chữa đột quỵ khiến bệnh nhân mất đi ‘thời gian vàng’ để điều trị. Điều đó cũng làm giảm khả năng hồi phục sau này của bệnh nhân.
Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cung cấp đầy đủ máu và oxy. Với trường hợp đột quỵ thiếu máu não, mạch máu lớn bị tắc thì 1s sẽ có 32.000 tế bào não chết, 1 phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não ‘đi’, 1 giờ trôi qua thì số tế bào não mất đi sẽ tương ứng với 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường.
Do đó, bệnh nhân cần phải phát hiện sớm và được đưa đi viện chữa trị kịp thời. Thời gian sớm thì tỷ lệ chữa trị và khả năng phục hồi càng cao.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vậy phải làm sao để phát hiện đột quỵ?
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 230.000 ca đột quỵ mới. Trong đó có gần 50% ca đột quỵ diễn biến xấu và qua đời, 90% số ca đột quỵ để lại di chứng do bệnh nhân đến viện khi đã qua ‘khung giờ vàng’.
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần. Cụ thể:
+ Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên có cảm giác không còn sức lực, bị tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười méo mó.
+ Cử động khó hoặc không thể nào cử động tay chân, bị liệt 1 phần cơ thể. Khi nâng hai cánh tay qua đầu cùng lúc thì không thể làm được.
+ Khó phát âm, nói không ‘tròn vành rõ chữ’ mà bị dính chữ, nói ngọng bất thường, có khi chỉ ú ớ chứ không nói được thành câu. Bạn có thể thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh lặp lại. Nếu không nhắc lại được thì tức là người đó đang có khả năng cao sắp bị đột quỵ ‘ghé thăm’.
+ Hoa mắt, chóng mặt, bị mất thăng bằng đột ngột và không thể phối hợp được các hoạt động.
+ Suy giảm thị lực, mắt mờ, nhìn không rõ ràng.
+ Xuất hiện các cơn đau đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh có thể khiến bệnh nhân bị nôn hoặc buồn nôn.
Người bị đột quỵ có thể có cả hoặc chỉ vài dấu hiệu đột quỵ kể trên tùy vào thể trạng sức khỏe của mỗi người. Những dấu hiệu thường tới và đi rất nhanh nên nhiều người không chú ý. Vì thế, để phòng đột quỵ, bạn cần lắng nghe cơ thể. Nếu thấy có bất kì dấu hiệu nào bạn cũng cần chủ động đi khám sớm để phát hiện kịp thời. Thời gian ‘vàng’ để điều trị đột quỵ là 60 phút, cứ mỗi phút trôi qua thì mức độ tổn thương não, thần kinh càng nghiêm trọng.
Nguồn: Tổng hợp