Trên thực tế, ít ai biết đến hội chứng ngưng thở khi ngủ nhưng ước tính có đến 26% người trưởng thành có nguy cơ mắc phải hội chứng này. Thế nên, chúng ta cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo trước khi nó xảy ra.


Có thể hiểu, hội chứng ngưng thở khi ngủ là sự rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng thở từng lúc về đêm trong khi ngủ, có thể dẫn đến thiếu oxy máu và liên quan đến nhiều căn bệnh khác.


Nguyên nhân do những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào đường thở, kèm theo kích thước của đường hô hấp trên bị giảm làm tắc nghẽn lưu lượng khí, đồng thời giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp, từ đó gây ra hiện tượng ngưng thở trong lúc ngủ.


Hội chứng này thường xuất hiện nhiều ở người béo phì, người có thói quen hút thuốc, uống rượu hoặc mắc phải tình trạng sung huyết mũi, tiền mãn kinh. Và di truyền cũng là một yếu tố chính gây ra bệnh.


Dấu hiệu nhận biết hội chứng ngưng thở


Thông thường, chúng ta thường nghe người thân, bạn bè ngáy ngủ vào ban đêm nên cho rằng đó là do họ quá mệt và chỉ cần ngủ đủ giấc sẽ không sao. Nhưng thực chất, ngáy đôi khi lại là một biểu hiện cảnh báo cơ thể đang có vấn đề về sức khỏe.


Theo thống kê, có khoảng 44% nam và 28% nữ ở độ tuổi từ 30 đến 60 đều ngủ ngáy. Nhưng nếu ngủ ngáy còn kèm theo tiếng khịt mũi, thở gấp, nghẹt thở thì không loại trừ khả năng cơ thể đã mắc phải hội chứng ngưng thở.


Bên cạnh đó, vấn đề ngủ nhiều vào ban ngày, thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung hoặc đau thắt ngực, đặc biệt hay ngủ gà ngủ gật ở mọi lúc mọi nơi cũng là những triệu chứng nguy hiểm đáng để cảnh báo.


Do đó, khi nghi ngờ bản thân đã mắc phải hội chứng ngưng ngủ với các dấu hiệu kể trên thì chúng ta cần tìm đến bác sĩ thăm khám ngay để nhận được lời khuyên tốt nhất về cách chữa trị, dự phòng các trường hợp không hay xảy ra.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị


Hầu hết, những người thuộc diện có nguy cơ mắc hội chứng này đều được các bác sĩ chỉ định đo đa giấc ngủ. Nếu vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì chắc chắn người đó là bệnh nhân của hội chứng ngưng thở.


Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà người bệnh được điều trị với các phương pháp khác nhau.


Đối với những người bị nhẹ có 6 - 15 đợt ngưng thở trong một giờ, chỉ cần giảm cân, dùng gối tránh ngáy, thay đổi lối sống lành mạnh, không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích thì không lâu sau hội chứng ngưng thở sẽ khỏi hẳn.


Còn với bệnh nhân ở mức độ trung bình thường có 16 - 30 đợt ngưng thở trong một giờ, nguyên nhân gây ngưng thở do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng thì sẽ được chỉ định phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà bằng cách cắt amidan, lưỡi gà và vòm khẩu cái sau.


Trong trường hợp mắc hội chứng ở mức độ quá nặng trên 30 đợt ngưng thở trong một giờ, bệnh nhân cần phải dùng đến máy thở để hỗ trợ việc thở liên tục, giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên. Đồng thời, các bác sĩ sẽ hội chẩn dựa trên tình hình sức khỏe để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.