Ai trong chúng ta cũng từng phải chịu đựng cơn đau đầu. Tình trạng này có thể là do yếu tố môi trường, stress, thay đổi thời tiết… Song, có đôi khi nó cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh nguy hiểm. Vì thế, đừng ai chủ quan nhé.
Bản thân mình đợt trước cũng suýt thì ‘về với các cụ’ vì cái tội chủ quan đây. Đợt đó mình hay thấy bị đau đầu. Cứ tưởng đâu là cơn đau đầu bình thường thôi, ai mà chẳng bị nên lấy thuốc giảm đau ra uống. Uống xong thì đỡ, đỡ nên cũng chả để ý nữa.
Đến hôm sau, mình tiếp tục bị đau đầu. Mình còn tưởng dạo này công việc bộn bề, lại làm việc trong phòng kín mà bé nên thiếu oxy nên mới thế. Thật không ngờ, sau đó mình bị đột quỵ ấy. Cũng may là bị lúc cả nhà đang ở nhà, may nữa là nhà cạnh bệnh viện nên được đưa đi cấp cứu kịp.
Sau đó mình về tìm hiểu thì mới biết được rằng đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ đó.
Ngoài ra, mình tìm hiểu trên báo thì đau đầu còn là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm lắm luôn. Cụ thể thông tin, mình chia sẻ ở bên dưới. Cái này mọi người đều cần biết đấy các mẹ.
Đau đầu không phải lúc nào cũng bình thường. Ảnh minh họa, nguồn: QQ
Đau đầu lành tính khác với cơn đau đầu bệnh lý nguy hiểm
Theo TS. BS Đinh Vinh Quang (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115) cho hay: Có trên 70 nhóm nguyên nhân gây đau đầu. Trong đó có 3 nhóm chính gồm: Bệnh lý về não (mạch máu não, u não, viêm não, chấn thương sọ não), bệnh lý toàn thân (sốt, viêm phổi), bệnh lý tâm thần.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau đầu do stress, do sống trong môi trường thiếu không khí, ồn ào… Tuy nhiên, những cơn đau đầu lành tính thường có tính chất ổn định. Nghĩa là người bệnh từng gặp những cơn đau tương tự, đau vừa phải và trong khoảng thời gian lẫn vị trí nhất định. Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn. Song, thường thì nó sẽ ổn định và tự khỏi.
Đối với những cơn đau đầu do bệnh lý, chúng thường có biểu hiện: Đau đột ngột, cơn đau mạnh dữ dội chưa từng thấy, cơn đau tăng dần. Người bệnh có thể xuất hiền kèm triệu chứng yếu liệt tay chân, méo miệng, sốt, cứng cổ, huyết áp tăng, nhịp tim chậm.
Theo BS. Quang, những biểu hiện này là bất bình thường. Nó liên quan tới bệnh lý nguy hiểm như tai biến mạch máu não, xuất huyết não, xuất huyết màng não…
TS. Quang cho biết thêm: Hiện nay, không ít người bị đau đầu do căng thẳng thần kinh, stress. Những người này thường có biểu hiện: Đau cả hai bên đầu với tính chất và mức độ vừa phải, không theo nhịp đập, không bị nôn ói, không sợ ánh sáng hay tiếng động.
Hơn nữa, chúng thường xuất hiện khi bệnh nhân làm việc căng thẳng, có nhiều vấn đề dẫn tới stress trong cuộc sống. Những cơn đau đầu do căng thẳng có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Nguyên nhân là do chế độ sinh hoạt, thiếu ngủ, mất ngủ, không chịu vận động, cuộc sống mệt mỏi. Để giảm tình trạng này, bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng, nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, không làm việc quá sức…
Cơn đau đầu có thể cảnh báo bệnh. Ảnh minh họa, nguồn: QQ
Đau đầu đôi khi còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý, không nên bỏ qua:
+ Đau đầu do bệnh đau nửa đầu:
Khi bị đau nửa đầu, người bệnh thường chỉ đau một bên. Ở một số người sẽ bị khởi phát một bên rồi đau lan sang hai bên. Cơn đau kéo dài từ 4 – 72 giờ đồng hồ. Mức độ cơn đau có thể từ vừa phải tăng lên đến nhiều kèm triệu chứng buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
Một số trường hợp có thể thấy ám điểm về ánh sáng. Chẳng hạn, bệnh nhân sẽ cảm thấy ánh sáng chạy trước mắt như hình chữ Z hoặc đột ngột không thấy vùng nào đó ở phía mình đang nhìn. Một số người còn mờ mắt, yếu liệt tay chân, nói khó, giọng nói thay đổi.
Những triệu chứng này sẽ xảy ra trong khoảng 30 phút trước khi cơn đau xuất hiện. Khi những biểu hiện này chấm dứt cũng là lúc mà cơn đau đầu xuất hiện.
Khi bị đau nửa đầu, nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, bạn có thể bị suy giảm trí nhớ, khó tập trung, trầm cảm, thậm chí là đột quỵ. Một số trường hợp có thể bị suy thoái võng mạc, mất thị lực, mù vĩnh viễn. Ngoài ra, đau nửa đầu còn có thể gây ra các biến chứng mãn tính như nhồi máu não, co giật.
Tình trạng đau đầu cần điều trị sớm. Ảnh minh họa, nguồn: everyone
+ Xuất huyết màng não:
Khi bị xuất huyết màng não, cơn đau đầu sẽ đến một cách dữ dội và nghiêm trọng. Cơn đau này có thể xuất hiện lần đầu hoặc mới xuất hiện gần đây. Nguyên nhân là do trong não có sự bất thường, chẳng hạn xuất huyết não, xuất huyết dưới màng não, tắc nghẽn dây thần kinh não.
Hơn nữa, khi một chỗ phình của động mạch hoặc điểm yếu trong động mạch bị vỡ sẽ dẫn tới chảy máu trong não.
+ Viêm xoang:
Viêm xoang có nhiều triệu chứng, trong đó có đau đầu, đau nửa đầu. Trên thực tế, có tới khoảng 90% bệnh nhân bị viêm xoang đều có dấu hiệu đau nửa đầu. Bệnh gây ra cơn đau đầu dai dẳng. Cơn đau này khiến người bệnh có cảm giác nặng mặt, nhất là vùng quanh mắt, vùng trên của 2 bên má và vùng trán.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có biểu hiện kèm theo như sốt, ớn lạnh, mặt sưng phù, ngạt mũi, chảy nước mũi…
Viêm xoang cấp tính nếu không điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra biến chứng như viêm xoang mạn tính, viêm mũi, viêm họng mạn tính, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa cấp, viêm thận, viêm khớp… Đặc biệt, mù lòa là biến chứng cao nhất của bệnh này.
+ U não:
Rất nhiều người bị u não nhưng lại lầm tưởng với cơn đau đầu bình thường. Do đó, mọi người thường có xu hướng tự đi mua thuốc về chữa. Cho tới khi cơn đau nặng lên, đi khám thì mới phát hiện ra khối u não.
Như ông chú mình cũng thế. Mới năm ngoái ông mất vì u não đây. Ban đầu, ông cũng hay đau đầu nhưng chẳng nghĩ bệnh tật gì nên không khám. Đến lúc đau đầu quá khiến ông không chịu được, bị ngã khụy xong gãy tay. Mọi người đưa ông lên bệnh viện khám, chụp chiếu thì bác sĩ bảo có khối u não, giai đoạn cuối rồi. Bởi vậy, đừng có ai chủ quan với cơn đau đầu.
Đau đầu là triệu chứng của bệnh u não. Ảnh minh họa, nguồn: NLD
U não ở giai đoạn đầu, triệu chứng thường không có gì đáng chú ý, thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau đầu thoáng qua.
Tới khi khối u phát triển, đủ kích thước để gây áp lực lên não hoặc dây thần kinh thì cơn đau đầu mới trở nên rõ rệt. Khi đó, bệnh nhân thường có biểu hiện:
Hay bị đau đầu vào sáng sớm: Những cơn đau đầu sẽ xuất hiện khi bạn mới thức dậy. Cũng có người thì bị cơn đau ảnh hưởng, không ngủ được và thức giấc vào ban đêm, rất khó để ngủ lại.
Thường xuyên bị đau đầu: Khi não có khối u với kích thước lớn, cơn đau đầu sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Nó kéo dài nhiều ngày hoặc cơn đau bỗng trở nên nặng hơn hẳn. Lúc này, việc bạn cần làm là đi khám bác sĩ ngay.
Cơn đau đầu đột nhiên dữ dội lên, khác hẳn với trước đây khiến bạn không thể chịu nổi. Lúc này, bạn cũng nên tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ càng sớm càng tốt.
Đau đầu kèm cảm giác mệt mỏi dù không phải làm việc nặng nhọc gì. Đồng thời, dù bạn dùng các sản phẩm thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen, ibuprofen mà không thấy đỡ.
Luôn có cảm giác như có thứ gì đó đè nặng trong đầu khiến cơn đau đầu trở nên dữ dội hơn. Lý do là khối u phát triển sẽ làm tăng áp lực bên trong hộp sọ. Đặc biệt, cơn đau trở nên nặng nền mỗi lần bạn hắt hơi hoặc ho, tập thể dục, la to, cúi gập người. Bởi, hành động này khiến áp lực trong đầu tăng lên. Từ đó khiến cơn đau đầu thêm dữ dội.
Ngoài ra, theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh, bệnh nhân bị u não còn xuất hiện thêm những triệu chứng khác như:
Động kinh, co giật
Hay thấy buồn nôn, nôn và buồn ngủ
Có sự thay đổi về tinh thần hoặc hành vi, chẳng hạn như suy giảm trí nhớ, thay đổi tính cách, tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt, nổi nóng.
Có vấn đề về thị lực như nhìn mờ, mờ mắt hoặc mất thị lực.
Sụt cân mà không rõ nguyên nhân.
+ Đột quỵ:
Cơn đau đầu đôi khi cũng là tín hiệu cảnh báo đột quỵ. Do đó mọi người cần hết sức chú ý. Khi cơn đột quỵ sắp tới, ngoài triệu chứng đau đầu, bệnh nhân thường có thêm biểu hiện như: Đột ngột xuất hiện tình trạng méo miệng, yếu hoặc liệt yếu một bên người, nói khó hoặc không nói được, mất thăng bằng…
Đột quỵ rất nguy hiểm, nó có thể lấy đi sự sống của bệnh nhân rất nhanh. Vì vậy, ai cũng cần biết dấu hiệu nhận biết để cứu lấy mình và những người xung quanh.
+ Thiếu máu:
Khi cơ thể bị thiếu máu do thiếu sắt cũng dẫn tới triệu chứng đau đầu. Bởi, lúc này cơ thể không có đủ máu để bơm lên não. Não không đủ máu để hoạt động nên gây ra các cơn đau.
Thiếu máu nếu không được điều trị sớm và kịp thời cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy như: Rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ bị suy tim. Vì thiếu máu nên cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, dễ bị ngất xỉu đột ngột. Đặc biệt, người bệnh hoàn toàn có thể mất đi sự sống nếu bị mất lượng máu lớn trong thời gian ngắn mà cơ thể không hồi phục kịp thời.
+ Bệnh mạn tính
Một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, lupus ban đỏ, đau xơ cơ… cũng gây ra các cơn đau đầu. Mức độ của nó còn tùy vào tình trạng bệnh của bạn.
Đây là những thông tin mà mình tìm hiểu được thông qua báo chí. Nói tóm lại, không phải cứ xuất hiện cơn đau đầu thì tức là bạn đã bị bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không nên loại trừ khả năng này.
Vì thế, tốt hơn hết, nếu cơn đau đầu của bạn dai dẳng, cường độ đau ngày một tăng lên, dùng thuốc cũng khó mà cải thiện. Lúc này, cách tốt nhất là bạn nên tìm tới sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa. Vì chúng ta không thể hiểu hết được ý nghĩa của các cơn đau đầu đâu. Do đó, đừng vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mà đẩy chính mình vào hố lửa.