Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Vì vậy, khi cơ quan này có vấn đề, nó sẽ khiến quá trình này bị ngưng trệ. Độc tố không được thải ra mà tích lại không chỉ gây bệnh về gan mà còn liên lụy tới cơ quan nội tạng bên cạnh.

Đặc biệt, nếu gan mà xuất hiện khối u thì càng nguy hiểm hơn. Do đó, mọi người cần hết sức cảnh giác. Nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ thì nên đi tầm soát định kỳ. Với người bình thường, hãy đi khám khi cơ thể xuất hiện triệu chứng.

Đây là những thông tin mà mình đọc được trên báo. Cụ thể về những đối tượng dễ bị K gan và triệu chứng dễ bỏ qua, mình chia sẻ ở bên dưới. Mọi người nên lưu ý để bảo vệ chính mình.

hình ảnh

Tế bào K ở gan. Ảnh minh họa, nguồn: VNE

5 đối tượng dễ xuất hiện khối u ác tính ở gan

+ Người bị nhiễm virus viêm gan:

Virus viêm gan B hay C mạn tính đều làm tăng nguy cơ bị xơ gan và cuối cùng tiến triển thành u ác tính. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: Có khoảng 10 – 20% bệnh nhân xơ gan có thể chuyển hóa thành K gan.

Ở Việt Nam, có tới 60 – 70% bệnh nhân bị ung thư (UT) gan có nhiễm virus viêm gan B và 20 – 30% người bị nhiễm virus viêm gan C.

+ Người hay uống rượu:

Rượu bia đặc biệt có hại với hệ thần kinh và cơ quan tiêu hóa, trong đó có gan. Rượu có thể dẫn tới tình trạng xơ gan khiến tế bào lành ở gan bị thay thế bằng các mô sẹo không hồi phục. Từ đó làm tăng nguy cơ bị K.

Hơn nữa, người nghiện rượu thì sức khỏe kém, khả năng miễn dịch thấp. Đó là tiền đề để các yếu tố gây UT phát triển.

Khi đi vào cơ thể, dưới tác dụng của một số loại enzyme, rượu có thể chuyển hóa thành chất acetaldehyde. Chất này có liên quan đến nhiều bệnh K khác nhau, trong đó có UT gan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp enthanol (có trong rượu) là một trong những nhóm chất gây K. Do đó, người uống càng nhiều thì gan càng phải làm việc cật lực, nguy cơ bị u ác tính càng cao.

+ Người bị thừa cân, béo phì:

Những người này có nguy cơ bị K gan cao gấp 2 lần so với bình thường. Ban đàu, nó sẽ gây ra bệnh gan mạn tính. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành u ác tính.

Ngoài gan, nó còn ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác và làm tăng nguy cơ sản sinh khối u ở buồng trứng, cổ tử cung, dạ dày…

+ Người bị đái tháo đường:

Những người bị bệnh này cũng có nguy cơ mắc UT gan cao hơn nhiều so với người bình thường. Các chuyên gia giải thích rằng, những người bị đái tháo đường (nhất là đái tháo đường type 2) thì dễ bị K gan hơn. Lý do có thể liên quan tới việc tăng nồng độ insulin, gan nhiễm mỡ không do rượu…

+ Người hay phải tiếp xúc với chất gây K:

Những người hay ăn phải thực phẩm mốc từ lúa mì, đậu tương, lạc, ngô… thì nguy cơ bị K gan cao hơn hẳn. Người dùng nguồn nước không đảm bảo, có chứa asen cũng dễ mắc bệnh hơn hẳn.

hình ảnh

Những người thuộc đối tượng dễ mắc bệnh nên đi khám, tầm soát sớm. Ảnh minh họa, nguồn: health

Triệu chứng cảnh báo K gan giai đoạn đầu

Gan là bộ phận duy nhất không có dây thần kinh gây cảm giác đau. Trong khi đó, khối u thường xuất hiện âm thầm, lặng lẽ lớn dần lên. Nếu để tâm và đi khám sớm thì có thể chữa được. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường ‘ngó lơ’.

+ Vàng da:

Đây là biểu hiện của tình trạng chức năng gan bị suy giảm. Khi các chức năng gan bị suy giảm thì dẫn tới hiện tượng sắc tố mật tăng đột ngột trong máu và khiến sắc tố da thay đổi. Vàng da có thể là triệu chứng đầu tiên và thường thấy của nhiều bệnh về gan, trong đó có K gan.

+ Sụt cân nhanh đột ngột:

Tế bào K xuất hiện sẽ khiến gan bị suy yếu và không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Do đó, người bệnh có cảm giác ăn không ngon, đầy bụng, ngán đồ dầu mỡ, không hấp thụ được dinh dưỡng. Đó là lý do vì sao bệnh nhân sụt cân rất nhanh.

+ Thấy khó chịu ở vùng gan:

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác khó chịu nhưng với mức độ rất nhẹ ở vùng gan. Do đó, thường thì chúng ta không mấy để tâm tới cảm giác này nên bỏ qua thời điểm ‘vàng’ để khám và điều trị bệnh.

+ Nước tiểu sẫm màu hơn:

Gan gặp vấn đề khiến các sắc tố mật bị phá vỡ và gây ra hiện tượng nước tiểu có màu vàng sẫm hoặc nâu.

+ Mắc ói và ói:

Tế bào K ở gan sẽ làm liên lụy tới chức năng của dạ dày. Khi đó, người bệnh hay xuất hiện triệu chứng mắc ói và ói và chán ăn.

+ Mệt mỏi triền miên:

Nếu bạn thường xuyên thấy mệt mỏi không dứt dù đã được nghỉ ngơi thì cũng nên đi kiểm tra gan. Bởi, đây là dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đã bị K gan giai đoạn đầu.

Đây là thông tin đã được báo chí chính thống chia sẻ rất nhiều nhằm khuyến khích mọi người đi khám và tầm soát. Song, nhiều người vẫn còn rất chủ quan với tình hình sức khỏe của bản thân, không chịu đi khám, tới lúc phát hiện ra thì đã muộn.