Các mẹ có bao giờ mà kiểu cả nhà đang chìm trong sự u ám vì có người phát hiện bị K. Xong rồi đi khám lại thì lại phát hiện là khối u lành chưa. Chuyện như đùa nhưng lại hoàn toàn có thật ở Việt Nam. Đúng là tin mừng nhưng thật sự cảm giác lúc đó sẽ rất khó tả vì mất bao nhiêu lâu nay sống trong lo sợ, chạy chữa vì bệnh tật.
Câu chuyện này mình vừa đọc được ở trên báo. Cụ thể là có một bệnh nhân phát hiện bị u màng não, gia đình vốn đã chuẩn bị tâm lý và hậu sự rồi. Nhưng sau đó bác sĩ bất ngờ phát hiện khối u đó là lành tính.
Thông tin chi tiết, mình chia sẻ ở bên dưới, mọi người cùng xem nhé.
Khối u não. Ảnh minh họa, nguồn: SK&ĐS
Tưởng đâu ung thư không qua khỏi, người đàn ông được bác sĩ thông báo: Không sao, chỉ là u lành tính
Đó là trường hợp của người đàn ông 72 tuổi bị u màng não. Từ 4 tháng trước, bệnh nhân có biểu hiện yếu nửa người phải. Người nhà cứ nghĩ ông bị đột quỵ não nên đưa vào một bệnh viện lớn để cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán u màng não, kể cả có phẫu thuật thì cũng không cải thiện nhiều. Đồng thời lại phải đối mặt với nhiều rủi ro do bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền.
Sau đó, gia đình đưa ông tới bệnh viện khác để kiểm tra. Bác sĩ cũng tư vấn tương tự với chẩn đoán u ác tính và cho về nhà chăm sóc. Thời gian gần đây, tình trạng sức khỏe của ông xấu dần, liệt nặng hơn kèm mất giọng, không thể nói chuyện.
Vì nghĩ sắp không qua khỏi nên người nhà đã đưa ông vào Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 với mong muốn giúp ong giảm đau những ngày cuối đời.
Ngày 4/10, BS. Lâm Trung Hiếu (phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ) cho biết: Những ngày bệnh nhân được chăm sóc ở khoa, các bác sĩ kiểm tra lại hình ảnh chụp chiếu cận lâm sàng thì phát hiện ra ông bị u màng não nhưng là lành tính.
Do đó, bệnh viện tiến hành hội chẩn bác sĩ nội và ngoại thần kinh, đánh giá có thể mổ để cứu sống bệnh nhân do u lành tính chứ không phải u ác. Để bảo đảm an toàn cũng như tăng tỷ lệ thành công, kíp bác sĩ lên kế hoạch can thiệp tắc mạch máu nuôi khối u nhằm giảm nguy cơ chảy máu và hôn mê hậu phẫu.
Theo BS. Hiếu, đây là cơ hội để cứu sống bệnh nhân. Nếu không tận dụng thì bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi. Nếu điều trị thì còn có cơ may sống sót.
Vài ngày sau khi tiến hành can thiệp, các bác sĩ đã phẫu thuật bóc tách khối u với kích thước 7,3 x 4,5 cm. Hơn 1 tuần sau đó, sức khỏe của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, đã qua cơn nguy hiểm và có thể nói chuyện trở lại. Tiếp theo đây, bệnh nhân sẽ được áp dụng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng hô hấp để cải thiện tình trạng liệt cũng như hạn chế viêm phổi. Nếu phối hợp tập luyện tốt, tình trạng liệt của bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm.
Nhìn bố vốn đang bước một chân vào cánh cửa chấm dứt sự sống nay lại dần phục hồi và có thể nói chuyện, các con của ông vô cùng hạnh phúc. Người con gái của ông nghẹn ngào bày tỏ: ‘Chúng tôi cảm ơn y bác sĩ đã tận tâm, chuyên nghiệp, tư vấn rõ ràng giúp bố tôi có cơ hội sống. Thật không ngờ quyết định đưa ông vào đây với mong muốn giúp bố ra đi nhẹ nhàng, không đau đớn do khối u lại cũng chính là thứ giúp ông lấy lại được sự sống.
Theo các bác sĩ, khối u lành tính là khối u không xâm nhập các mô lân cận hoặc lan rộng đến khu vực khác của cơ thể. Loại khối u này không có gì đáng ngại, trừ khi nó bám vào các mô lân cận, dây thần kinh hoặc mạch máu và gây tổn thương.
U lành tính đôi khi có thể phát triển rất lớn và cần làm phẫu thuật để loại bỏ. Song, nó thường có ranh giới rõ ràng nên dễ bị loại bỏ triệt để và ít tái phát. Nếu có tái phát thì cũng chỉ xuất hiện tại vị trí ban đầu.
Khối u lành tính thường không tiến triển thành u ác, trừ trường hợp polyp u tuyến đại tràng được coi là tiền K đại tràng mới có khả năng phát triển thành u ác.
U màng não lành tính rất dễ nhầm lẫn với K não hoặc di căn não. Nếu các bác sĩ đánh giá không kỹ bệnh lý sẽ dễ nhầm và đưa ra cách giải quyết sai.
Người đàn ông cứ nghĩ mình chẳng thể sống thêm được. Ảnh minh họa, nguồn: Zhihu
Trước đó cũng từng xảy ra vụ việc nhầm lẫn ung thư khiến bệnh nhân chịu đau đớn nghiêm trọng
Chẳng hạn như trường hợp của ông Nguyễn Văn Cẩn ở Kiên Giang. Khi được các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM thông báo là không hề bị K thực quản, ông mừng rơi nước mắt.
Bởi, cách đây không lâu, ông xuất hiện triệu chứng ăn vào là nôn, uống nước cũng bị trào ngược, sụt cân... Do đó, ông lên bệnh viện tỉnh khám thì bác sĩ nói rằng ông bị ung thư (UT) thực quản. 'Trên đường đến TP. HCM chữa bệnh, tôi định nhảy xe đò quyên sinh', ông kể.
May mắn là ông không làm chuyện dại dột mà quyết định xuống TP. HCM để kiểm tra lần nữa cho chắc. Tại đây, BS. Trần Văn Khanh (khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM) khám và khẳng định: Ông Cẩn chỉ bị nghẹn miếng thịt trâu ở thực quản do nhai không kỹ. Miếng thịt trâu này ở trong cổ họng nhuyễn ra, bít kín một đoạn thực quản. Vì thế, khi ông uống nước là bị trào ra, thức ăn không thể đi xuống ruột được. Sau khi bác sĩ sử dụng kỹ thuật nội soi để đẩy dị vật xuống, ông Cẩn đã ăn uống bình thường trở lại.
Theo BS. Khanh, trường hợp của ông Cẩn không phải duy nhất vì bệnh viện cũng từng tiếp nhận một số bệnh nhân khác đến khám với chẩn đoán UT. Tuy nhiên, có người chỉ vì nghẹn thức ăn lại bị khẳng định là K thực quản. Còn có người mắc mỗi cái xương cá lại bị nói là UT trực tràng.
Như câu chuyện của ông Phan Văn Cư ở Mỹ Tho, Tiền Giang chẳng hạn. Ông thấy mình bị đi vệ sinh ra máu nên đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán UT. Tuy nhiên, khi tới BV Đại học U dược TP. HCM thì bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân của tình trạng này chỉ là chiếc xương cá mắc ở phần ruột gần hậu môn.
Ngay cả ung thư cũng chưa phải kết thúc
Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho rằng để xác định đúng ung thư, thầy thuốc phải tìm hiểu bệnh sử kỹ càng, tránh đưa ra kết luận vội vàng, gây tâm lý hoang mang cho bệnh nhân. Quá trình hình thành khối u ung thư từ lúc tiền lâm sàng đến khi có triệu chứng thường là khoảng 5-20 năm. Vì vậy khi được chẩn đoán mắc bệnh này, người bệnh không nên quá đau buồn, tuyệt vọng mà phải đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa về ung bướu. Nếu đúng là ung thư thì vẫn điều trị được nếu còn ở giai đoạn đầu. Nếu khối u còn khu trú tại chỗ thì khả năng điều trị khỏi có thể đạt trên 80% nhờ mổ đúng cách.
Không phải cứ xuất hiện khối là coi như hết. Ảnh minh họa, nguồn: PN&GĐ
Để phát hiện sớm và điều trị ung thư kịp thời, bệnh nhân nên đi khám ngay nếu gặp một trong những triệu chứng báo động như thay đổi thói quen của ruột và bàng quang, chỗ loét không chịu lành, nốt ruồi thay đổi tính chất, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, xuất hiện cục u ở nơi nào đó trong cơ thể, ăn không tiêu hoặc nuốt khó, ho dai dẳng hoặc khàn tiếng.
Theo PGS. TS Lê Văn Quảng (GĐ Bệnh viện K) cho rằng: Hiện nay, có rất nhiều người có quan niệm là khi bị K mà đụng dao kéo là sẽ khiến bệnh di căn nhanh và 'đi' sớm hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, với hầu hết các bệnh UT thì phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Vì vậy, mọi người nếu có không may phát hiện bệnh thì cũng đừng vội bỏ cuộc, đi tin mấy lời đồn linh tinh rồi thành ra lại khiến bản thân mất vì suy kiệt.
Khi bị bệnh thì tốt nhất cứ nghe lời khuyên của bác sĩ, phối hợp điều trị. Có nhiều người nhờ vậy mà sống được thêm rất lâu đó. Như ở quê mình nè, có bác kia bị UT gan. Ai cũng bảo chắc bác đó sống được thêm mấy tháng nữa là cùng, chạy chữa làm gì cho tốn kém ra. Tất nhiên là mọi người nói sau lưng thôi chứ không nói trước mặt.
Tuy nhiên, bác sĩ bỏ ngoài tai, vẫn nghe lời bác sĩ điều trị kết hợp với tập thể thao, rồi tâm lý thoải mái lắm. Thậm chí, bác ý còn chia sẻ dấu hiệu rồi việc điều trị cho những người thân thiết xung quanh cơ, chẳng ngại nói về bệnh tật đâu. Nhờ vậy mà bác ý sống tiếp được tới tận 10 năm luôn đó, mà không phải kiểu sống nằm một chỗ để người khác phục vụ đâu. Bác ý vẫn tự sinh hoạt bình thường, tự nấu cơm ăn cơm các kiểu, thỉnh thoảng còn lên nhà mình chơi.
Đợt bố mình ốm xong cũng bị đau vùng gan á mà không chịu đi khám. Bác ý đến chơi thấy thế nhất định lôi bố mình đi khám nè. Bác còn bảo, giờ sức khỏe là quan trọng nhất, đừng có sợ tốn mấy đồng đi khám rồi nhỡ bệnh nặng thì sao. May sao bố mình đi khám thì là bị gan nhiễm mỡ thôi, mà mới nên về ăn kiêng là được.
Kể chuyện này ra đây là để nhắc nhở các mẹ, đừng có mới nghe tin bệnh đã nản lòng thoái chí rồi bỏ cuộc luôn. Không phải cứ bị UT là 'đi' luôn đâu. Thậm chí, có một số bệnh K có tỷ lệ chữa được khá cao đấy. Chẳng hạn như K cổ tử cung thì tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân là 100% luôn nè.
Hay như bệnh K vú, đây là căn bệnh phổ biến ở chị em nhưng tỷ lệ sống vẫn rất cao. Có nhiều trường hợp điều trị khỏi bệnh này và tiếp tục sống cuộc sống như người bình thường rồi các mẹ, trên báo đưa tin đầy rẫy luôn đó. Rồi bệnh UT da, UT tuyến giáp cũng thế. Mặc dù là khối u ác tính nhưng không phải cứ bị là 'theo các cụ' luôn đâu, các mẹ cứ bình tĩnh.
Những thông tin bổ ích này mình tổng hợp được từ các trang báo. Mọi người có thể tham khảo, nắm rõ các dấu hiệu để đi khám ngay. Chần chừ là đồng nghĩa với việc từ bỏ sức khỏe đó các mẹ.