Em được cho làm ở nhà tầm hơn tháng từ hồi giữa tháng 5 tới gần cuối tháng 6 mà nó chán. Nhà em thì vẫn chưa có bé nhưng thấy các chị cùng cơ quan kêu trời luôn, bảo là ở nhà ‘phát ốm’ vì bọn con nít. Rồi nhiều chị còn kêu chồng thế nọ thế kia cơ. Lướt Facebook em cũng thấy không ít bạn bè nói là phát trầm cảm vì chồng con trong mùa dịch luôn.
Nãy em đọc báo cũng thấy báo chí đưa tin về trường hợp người phụ nữ ở Hà Nội hẳn hoi nha các mẹ. Chị này được cho làm việc ở nhà mà phải đi khám tâm thần vì chồng con luôn đấy. Phụ nữ chúng mình khổ quá đi thôi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Công ty cho làm online, người vợ ở Hà Nội bị tâm thần vì chồng con
Theo Ths. BS Nguyễn Viết Chung (khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E) cho hay: Khoa vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân tới khám do bị đau đầu triền miên, lo âu, rối loạn giấc ngủ…
Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ ở Hà Nội tới khám do bị áp lực cuộc sống gia đình dẫn tới đau đầu, lo âu, mất ngủ… Đáng nói là nguyên nhân khiến người vợ gặp phải tình huống này lại xuất phát từ chồng.
Cụ thể, bệnh nhân chia sẻ: Trong thời gian này, vì dịch nCoV phức tạp nên hai vợ chồng đều được cho làm việc ở nhà. Thế nhưng trong khi người vợ vừa lo việc công ty, vừa chăm lo cho cả gia đình thì chồng chỉ chúi mũi vào chơi game. Ngay cả khi các con tới gần cũng bị bố ‘đuổi’ ra, không chơi với con chút nào.
Vì thường xuyên thấy cảnh này, người vợ đâm ra căng thẳng dẫn tới hay bị đau đầu, mất ngủ, cảm thấy áp lực, dễ bực tức, cáu gắt, hay hồi hộp, đánh trống ngực. Lúc tới bệnh viện khám, chị nói với bác sĩ rằng chị cảm thấy tủi thân vì không được chia sẻ, chồng chỉ mải chơi game không quan tâm tới vợ cũng không chịu chơi với con. Do đó, mọi công việc gia đình đều dồn hết lên vai chị.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trường hợp thứ 2 cũng là một người phụ nữ ở Hà Nội có con nhỏ mới 1 tuổi. Chị cho biết: sau 6 tháng sinh con, chị quay lại với công việc. Thế nhưng do dịch bệnh nên chị phải làm việc ở nhà. Chỉ có điều, ngoài làm việc cơ quan thì chị còn phải chăm con nhỏ, cho con bú, dỗ ngủ, cho con ăn dặm… Khi làm việc ở cơ quan thì chỉ cần tập trung cho công việc nhưng nay ở nhà thì phải chăm cả con. Cứ đang làm mà con quấy khóc lại phải bỏ việc ra dỗ dành, bế con… Điều đó khiến chị không hoàn thành được công việc nên áp lực, căng thẳng và bị mất ngủ, mệt mỏi, chán nản, có cảm giác như bị trào ngược dạ dày thực quản… Vì các triệu chứng này xuất hiện ngày một nhiều nên chị đã tới bệnh viện kiểm tra. Nhưng kết quả chụp chiếu lại là bình thường nên chị mới tìm tới BS. Chung.
‘Khi tôi hỏi thăm sức khỏe con cái thế nào, cháu có ăn được không, công việc tốt không… thì bệnh nhân òa khóc. Bệnh nhân luôn tự trách mình, suy nghĩ bản thân không làm tròn trách nhiệm với cơ quan, với con, luôn trong tình trạng tiêu cực, rối loạn giấc ngủ dẫn tới mệt mỏi, không muốn làm gì’, BS. Chung nói. Sau khi được bác sĩ hướng dẫn điều trị, hiện hai bệnh nhân cơ bản đã ổn định.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dịch nCoV khiến chị em ở nhà dễ bị tâm thần, phải làm sao đây?
Theo BS. Chung, trong đại dịch, phụ nữ dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần nhiều hơn nam giới. Trong đó, vấn đề rối loạn lo âu, trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau là tình trạng hay gặp nhất. Để phòng ngừa, BS. Chung khuyên vợ chồng nên ngồi lại nói chuyện, thấu hiểu và đồng cảm với nhau. Đồng thời, chồng cần san sẻ, giúp đỡ vợ công việc gia đình, vợ chồng cùng nhau tháo gỡ vướng mắc trong cuộc sống.
Chị em làm việc online vừa phải lo việc gia đình lẫn việc công ty cần có thời khóa biểu sinh hoạt hợp lý. Hàng ngày nên dành ra 30 phút để tập thể dục, có thời gian chăm sóc cho bản thân, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc.
Đồng tình với ý kiến này, GS. Cao Tiến Đức (Nguyên chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103) cho biết: Trầm cảm, lo âu, rối loạn stress là những bệnh tâm thần dễ bị mắc trong đại dịch nCoV. Những bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
GS. Đức nhận định: nCoV là một sang chấn. Sang chấn này vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương tinh tinh thần nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tâm thần. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo mọi người rằng phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần không chỉ với người già, người trưởng thành mà với trẻ vị thành niên, trẻ em cũng có nguy cơ cao.
Bởi vậy, GS. Đức cho biết: nếu bạn thấy có những triệu chứng bệnh thì nên đi khám. Những triệu chứng này gồm: Mệt mỏi, buồn chán, lo sợ, hoang tưởng, ảo giác, kích động, có hành vi nguy hiểm như tự sát hoặ tấn công người xung quanh. Cũng có người bị tâm thần với biểu hiện khởi phát như đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau vai gáy, cơ, xương khớp… Tuy nhiên, khi đi khám thì thường có kết quả tình trạng sức khỏe bình thường, không gặp bệnh tật hay chấn thương gì. Lúc này, mọi người hãy tìm tới bác sĩ tâm thần ngay.
Nguồn: Tổng hợp