Tình trạng đau đầu có thể khiến con yêu luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Khi áp dụng nhiều cách chữa đau đầu tại nhà mà tình trạng không thuyên giảm nhiều bố mẹ sẽ nghĩ đến việc dùng thuốc. Vậy trẻ có dùng thuốc trị đau đầu được không?
Không riêng gì người lớn, trẻ nhỏ cũng có thể bị đau đầu. Một cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, 40% trẻ em bị đau đầu khi lên 7 tuổi, và có đến 75% bị đau đầu trước 15 tuổi. Trẻ có thể bị đau đầu vì nhiều lý do, chẳng hạn như căng thẳng, stress, chấn thương, cảm cúm, vấn đề xoang, hay mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh về mắt… Nếu không tìm cách chữa trị cơn đau đầu sẽ làm trẻ khó chịu, uể oải, ngủ không ngon, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và học tập của trẻ, tệ hơn tình trạng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bài viết sau sẽ giới thiệu đến bố mẹ cách giảm đau đầu cho trẻ để con mau chóng phục hồi, cũng như giải đáp thắc mắc trẻ em có được dùng thuốc đau đầu không, bố mẹ hãy cùng tham khảo nhé!
40% trẻ em bị đau đầu khi lên 7 tuổi
Trẻ em có được dùng thuốc đau đầu không?
Đối với vấn đề trẻ em có được dùng thuốc đau đầu không? Câu trả lời là trẻ có thể dùng thuốc đau đầu, nhưng phải có sự chỉ định, hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ. Acetaminophen, ibuprofen và naproxen thường là những lựa chọn được xem có thể giúp giảm đau đầu ở trẻ một cách an toàn khi sử dụng theo chỉ dẫn từ bác sĩ. Trong đó:
- Acetaminophen là thuốc giảm đau và hạ sốt, an toàn cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.
- Ibuprofen thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), an toàn cho trẻ em từ 3 – 6 tháng tuổi và cân nặng trên 5kg.
- Naproxen có thể được dùng cho trẻ em trên 12 tuổi.
- Aspirin được khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ em dưới 16 tuổi, trừ khi được bác sĩ chỉ định. Đặc biệt, trẻ bị cúm, thủy đậu cũng có triệu chứng bị đau đầu, tuy nhiên bố mẹ tuyệt đối không được cho trẻ uống aspirin để giảm đau. Việc sử dụng aspirin trong lúc này có thể dẫn đến hội chứng Reye- một tình trạng hiếm gặp nhưng hệ quả rất nghiêm trọng, gây sưng phù ở gan và não.
Tóm lại, trẻ em có thể dùng thuốc đau đầu khi có sự chỉ định từ bác sĩ. Bố mẹ không tự ý mua và sử dụng thuốc đau đầu cho trẻ mà cần tham khảo ý kiến và tuyệt đối tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nhé!
Những điều cần nhớ khi cho trẻ sử dụng thuốc đau đầu
Khi trẻ bị đau đầu nhẹ, bố mẹ nên cho trẻ nằm nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, ánh sáng tối hoặc dịu nhẹ, tránh xa tiếng ồn. Đồng thời, mẹ nên chườm mát lên trán để trẻ, vì đây là cách giảm đau đầu tại nhà giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu cơn đau đầu liên tục và kéo dài, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc đau đầu, khi dùng mẹ cũng nên tuân thủ một vài lưu ý quan trọng như sau:
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc đau đầu cho trẻ
Không dùng vượt quá liều lượng khuyến cáo: Mẹ biết không, liều lượng thuốc đau đầu ở trẻ em thường dựa vào cân nặng và độ tuổi. Do đó, bố mẹ cần tuân thủ liều lượng của thuốc được in trên bao bì hay chỉ dẫn từ bác sĩ. Bố mẹ không nên tự ý gia giảm liều lượng thuốc, không tự ý cho trẻ uống thuốc đau đầu của người lớn mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cẩn thận với việc trộn thuốc cùng thức ăn: Trẻ nhỏ thường không thích uống thuốc, do đó nhiều bố mẹ tìm cách trộn thuốc với nước hoa quả, trái cây, hoặc thức ăn với mong muốn trẻ dễ dàng tiếp nhận. Nếu bác sĩ đồng ý cho trộn thuốc vào thức ăn, bố mẹ nên cho trẻ ăn ngay sau khi trộn thuộc, tránh để quá lâu vì như thế có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Ngoài ra, mẹ cũng nên tránh trộn thuốc với sữa, vì một vài nghiên cứu cho thấy việc kết hợp thuốc với sữa (hay các thực phẩm giàu canxi khác) có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
Xử lý đúng khi trẻ nôn thuốc: Việc trẻ nôn thuốc sau khi uống không hiếm gặp. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý rằng, nếu con nôn trong vòng 5-10 phút sau khi uống thuốc, mẹ có thể cho con uống lại thuốc lần nữa vì lúc này thuốc chưa được hấp thụ. Nhưng nếu sau 30 phút con mới nôn, mẹ hãy cho con uống liều thứ hai vào đúng thời điểm khuyến cáo từ bác sĩ.
Nên giám sát việc dùng thuốc của con: Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau khi dùng thuốc đau đầu, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Nhiều bậc phụ huynh có chung nỗi lo trẻ em có được dùng thuốc đau đầu không? Bên cạnh tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn thuốc đau đầu cho trẻ em, bố mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân khiến con đau đầu. Một số nguyên nhân gây đầu đầu ở trẻ em thường gặp như: Thiếu ngủ; Ăn uống thất thường; Yếu tố môi trường, trẻ gặp căng thẳng trong học tập… Khi đã tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây đau đầu, bố mẹ chỉ cần giúp trẻ tránh xa chúng, từ đó tình trạng đau đầu ở trẻ cũng sẽ thuyên giảm.
Hy vọng qua bài viết trên, mẹ đã biết trẻ em có được dùng thuốc đau đầu không và có thể bỏ túi những cách trị đau đầu giúp trẻ cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn rồi nhé!
>>> Xem thêm bài viết liên quan:
Làm sao giảm đau đầu cho trẻ? 3 cách trị đau đầu cho trẻ tức thì
'Mẹ ơi đau đầu quá, con ngủ một lát rồi học tiếp', bé gái không bao giờ dậy nữa sau khi thiếp đi
2 món rau là 'thuốc chữa đau đầu' của người Việt, mùa hè ăn vừa ngủ ngon lại bổ dưỡng