Triệu chứng của bệnh Kawasaki thường giống nhiều bệnh gây sốt cấp tính khác nên mẹ dễ bỏ qua và tự điều trị tại nhà.
Kawasaki có thể hiểu nôm na là hội chứng viêm mạch máu toàn thân, đi kèm sốt cấp tính. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và gây di chứng trên mạch vành rất nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn.
Thoạt đầu, bệnh Kawasaki nghe có vẻ xa lạ nhưng những năm gần đây, cứ 100.000 trẻ thì sẽ có khoảng 50 - 100 trẻ ở Việt Nam mắc bệnh. Cao điểm nhất là vào khoảng tháng 9 - 10.
Nguồn gốc của bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki bắt nguồn từ Nhật Bản và sau đó được đặt tên theo tên một bác sĩ khoa Nhi, người đã mô tả mẫu dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của bệnh này vào năm 1967. Từ thời điểm đó, bệnh Kawasaki được phát hiện ở nhiều nước và nước có tỷ lệ mắc bệnh cao là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, bệnh trở thành nguyên nhân hay gặp nhất gây nên bệnh tim mắc phải ở trẻ em. Thông thường, các bé trai có nguy cơ mắc bệnh Kawasaki cao hơn bé gái.
Triệu chứng của bệnh Kawasaki
Kawasaki là căn bệnh khó chẩn đoán vì không có xét nghiệm đặc hiệu. Vì vậy, phải dựa vào biểu hiện và triệu chứng của trẻ để mẹ có thể xác định được con mình có đang mắc bệnh Kawasaki hay không.
1. Sốt cao kéo dài
Sốt là biểu hiện hay gặp nhất, thường xuất hiện đầu tiên và kéo dài trên 5 ngày với đặc điểm ít đáp ứng với kháng sinh hay thuốc hạ nhiệt thông thường.Các hạch bạch huyết ở cổ có thể tăng lên.
2. Hàng loạt biểu hiện sau khi sốt cao
Trẻ thường có những triệu chứng sau đây khi mắc bệnh Kawasaki
- Môi đỏ thấy rõ, có thể nứt nẻ, rỉ máu;
- Kết mạc mắt sung huyết, đỏ; thường không chảy dịch, hình thành trong tuần bị bệnh đầu tiên;
- Lưỡi đỏ và có thể nổi gai;
- Phát ban thường xuất hiện sớm khi mắc bệnh; thường gặp ban đỏ đa dạng, toàn thân;
- Lòng bàn tay và lòng bàn chân thường chuyển sang màu đỏ sáng. Bàn tay và bàn chân có thể sưng lên;
- Khi hạ sốt, ban, mắt đỏ và các hạch bạch huyết bị sưng cũng thường mất đi. Da quanh móng tay và móng chân sẽ bắt đầu tróc ra, thường bắt đầu trong tuần thứ 3 bị bệnh;
- Thỉnh thoảng, đau khớp và viêm có thể kéo dài dai dẳng sau khi tất cả các triệu chứng khác đã biến mất.
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường giống nhiều bệnh gây sốt cấp tính khác như nhiễm trùng, sốt phát ban nhiệt đới trong khi một số triệu chứng tiến triển giống như tự thoái lui nên bệnh rất dễ bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Chính vì vậy, nếu trẻ nhỏ sốt cao liên tục khoảng 5 ngày kèm theo những biểu hiện như phát ban đỏ ngoài da, môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gai, đỏ mắt 2 bên hay sưng hạch góc hàm, các mẹ phải nghĩ ngay đến bệnh Kawasaki và sớm đưa con đi khám kịp thời để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Nguy cơ biến chứng khi trẻ mắc bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki có thể gây biến chứng lên tim mạch của trẻ, làm tim to, nhịp tim nhanh, suy tim. Nguy hiểm nhất có thể làm viêm tắc và giãn mạch vành, dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì cho trẻ.
Bên cạnh tim mạch, các bé còn có thể bị sưng khớp, viêm màng não hay viêm phổi, viêm ruột. Biểu hiện phình động mạch vành hoặc giãn động mạch vành thường chiếm tới 15 - 25% số bệnh nhi. Tuy nhiên, nếu may mắn đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời, tỷ lệ này sẽ giảm xuống thấp.
>>> Có thể bạn quan tâm: "Kawasaki" - Bệnh hiếm gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Cách điều trị bệnh Kawasaki
Trẻ bị mắc bệnh Kawasaki nên được điều trị tại bệnh viện thay vì tự điều trị ở nhà. Trẻ sẽ được sử dụng thuốc để ngăn ngừa tổn thương tại vành mạch của trẻ. Bao gồm:
- Gamma globulin (IVIG) liều cao tiêm vào tĩnh mạch là phương pháp điều trị được chọn lựa cho bệnh nhân bị bệnh Kawasaki. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả giúp thuyên giảm triệu chứng và quan trọng hơn là có thể ngăn ngừa hoặc giảm thương tổn động mạch vành nếu được điều trị sớm trong 10 ngày kể từ khi xuất hiện sốt.
- Aspirin (ASA) liều cao cũng được cho sử dụng cùng với IVIG trong giai đoạn cấp tính của bệnh cho đến khi giảm sốt.
Nếu được điều trị, bệnh thường diễn biến tốt hơn. Một số trẻ sẽ cần phải điều trị lần 2 với IVIG hay những loại thuốc khác.
Tại Việt Nam, đã có nhiều trẻ em mắc bệnh Kawasaki được điều trị thành công
Đối với bệnh Kawasaki, cách duy nhất để bảo vệ trẻ là luôn cẩn thận theo dõi khi trẻ bị sốt kéo dài. Nếu được phát hiện bệnh trong vài ngày đầu thì không gây nguy hiểm vì bệnh có thể được điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng sau này. Nếu phát hiện bệnh trong vòng 10 ngày kể từ khi mắc phải, các bác sĩ có thể ngăn ngừa biến chứng ở tim.
Trong khoảng 48 tiếng sau khi điều trị, nếu tiến triển tốt, bệnh sẽ lui dần và trẻ hết sốt nên có thể về nhà. Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo khi trẻ đã mắc bệnh Kawasaki thì cần phải được tái khám suốt đời. Ngoài ra, khi trẻ đang được điều trị bệnh Kawasaki, cần tạm ngưng tiêm ngừa vắc xin phòng các bệnh như: sởi, quai bị, rubella, thủy đậu ít nhất 3 tháng vì thuốc có thể làm giảm tác dụng của vắc xin.
Xem thêm bài viết liên quan:
Bệnh Kawasaki nguy hiểm hơn nhiều dù triệu chứng gần giống bệnh sởi
Căn bệnh dễ cướp mạng trẻ nhưng mẹ hay nhầm với sốt phát ban