Mặc dù COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề tới nền kinh tế nhưng nó cũng mang lại cho chúng ta những bài học ý nghĩa về cách quản lý tài chính cá nhân.
Sau gần 2 năm đối mặt với đại dịch, đã đến lúc chúng ta chuẩn bị bước vào cuộc sống bình thường mới. Tuy COVID-19 đã làm xáo trộn đời sống hàng ngày, nhưng không thể phủ nhận rằng chúng ta cũng nhận được nhiều bài học quý giá sau khoảng thời gian này. Thời điểm mọi thứ tạm ngừng lại vì dịch bệnh cũng là lúc chúng ta học được cách yêu thương bản thân, quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần và đặc biệt là học được cách quản lý hiệu quả nguồn tài chính cá nhân.
Dưới đây là 6 bài học về tài chính mà chúng ta nhận được sau đại dịch.
1. Bảo hiểm sức khỏe rất cần thiết
Hiện nay, đa số mọi người đều sở hữu thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sử dụng bảo hiểm y tế còn nhiều hạn chế về các chính sách và thủ tục, khiến người tham gia bảo hiểm không có cơ hội lựa chọn các cơ sở y tế có chất lượng tốt hơn. Đăng ký bảo hiểm sức khỏe giúp chúng ta tiết kiệm thời gian chờ đợi khám bệnh, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp, hỗ trợ kịp thời vấn đề tài chính như được bảo lãnh viện phí và chi phí điều trị liên quan. Đặc biệt, bạn sẽ được tự do lựa chọn bất kỳ cơ sở y tế nào trong danh sách hợp đồng, có cơ hội tận hưởng dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng trên toàn quốc.
2. Quỹ dự phòng khẩn cấp rất quan trọng
Quỹ dự phòng khẩn cấp (Emergency Fund) là số tiền tiết kiệm đủ để đảm bảo các nhu cầu cơ bản của cuộc sống bình thường trong trường hợp khẩn cấp.
Trải qua gần 2 năm chiến đấu với COVID-19, chúng ta nhận ra rằng có một khoản tiền dự phòng sẽ phần nào giảm bớt nỗi lo lắng khi đối mặt với những biến động của cuộc sống như tình trạng thất nghiệp, cắt giảm lương, sức khỏe của bản thân và gia đình bị đe dọa… Trong tương lai, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã kết thúc, vẫn sẽ có lúc chúng ta rơi vào những tình huống không thể lường trước được. Thiết lập quỹ khẩn cấp ngay từ bây giờ sẽ giúp bạn cảm thấy yên tâm, đồng thời giảm bớt áp lực về tài chính trong những lúc khó khăn. Mặc dù không có một con số nhất định nhưng hầu hết các chuyên gia tài chính đều cho rằng quỹ khẩn cấp tương đương với 3-6 tháng chi tiêu là hợp lý.
Ảnh: Pexels/ Mikhail Nilov
3. Cần phải kỷ luật trong chi tiêu
Nhiều người có thói quen kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu hay thậm chí tiêu tiền trước, kiếm tiền sau, kết quả là không có bất kỳ khoản dư nào cho những trường hợp cần thiết. Chúng ta đặt nhu cầu giải trí, ăn chơi, mua sắm lên hàng đầu, dễ bị cám dỗ bởi các chương trình giảm giá, khuyến mãi mà chi tiêu vô tội vạ để thỏa mãn bản thân. COVID-19 xuất hiện là lúc chúng ta nghiêm túc suy ngẫm lại về khoản tiền phục vụ cho các nhu cầu trên, từ đó nhận ra được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân để chi tiêu một cách hợp lý, hiệu quả. Khi bạn học được cách kiểm soát thói quen chi tiêu của bản thân, bạn sẽ tự tin xử lý các tình huống bất ngờ trong tương lai.
Ảnh: Pexels/ Mikhail Nilov
4. Sống tiết kiệm
COVID-19 đã dạy cho chúng ta một bài học rằng sống tiết kiệm và tuân theo kế hoạch chi tiêu hàng tháng sẽ giúp chúng ta dễ dàng thích nghi với những lúc khó khăn. Thay vì chú tâm vào việc kiếm tiền và thoải mái chi tiêu cho những thứ mình thích, bạn cần có kế hoạch quản lý nguồn tài chính cá nhân để chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ.
5. Tận dụng cơ hội để đầu tư
Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đa số mọi người đều sợ đầu tư vì rủi ro cao. Lựa chọn đầu tư vào thời điểm này đồng nghĩa với việc bạn càng phải cẩn trọng khi đưa ra quyết định, điều đó có nghĩa là số tiền bạn đầu tư nên được xác định dựa trên mức độ rủi ro bạn có thể chấp nhận được. Nếu điều kiện tài chính cho phép và bạn là người đã có kinh nghiệm, đây sẽ là cơ hội tốt để bạn tận dụng lợi thế từ đợt khủng hoảng này.
Ảnh: Pexels/ Mikhail Nilov
6. Tránh vay tiền với lãi suất cao
Vay tiền với lãi suất cao vốn không phải là lựa chọn tối ưu ngay cả khi bạn có thu nhập đều đặn. Đặc biệt, trong thời điểm nền kinh tế bị trì trệ do COVID-19, bạn càng không nên chọn bất kì khoản vay hay gói tín dụng cá nhân nào với lãi suất cao. Hãy thử tưởng tượng bạn đang thất nghiệp giữa mùa dịch nhưng vẫn phải trả góp thường xuyên, điều đó chỉ khiến cho bạn luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng. Nếu bạn đang sử dụng thẻ tín dụng, hãy cân nhắc chi tiêu một cách thông minh để tránh những rắc rối về sau.
Ảnh: Pexels/ Tima Miroshnichenko