3 điều kiêng kỵ tuyệt đối không được phạm phải khi đi chùa đầu năm nhiều người không hay biết điều này mà ôm họa vào thân
1. Đốt lá xăm "hạ hạ"
Đi chùa, xin xăm từ lâu đã được mặc định là “nhiệm vụ phải làm” của nhiều người bên cạnh việc cúng thờ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa khi xuân đến. Nếu như các bạn trẻ đến đây với tinh thần “vui là chính” thì một số khác, đặc biệt là phụ nữ chưa có gia đình lại đặt nặng vận mệnh của mình vào thẻ xăm rút được.
Chưa nói đến việc xin xăm và khấn vái là mê tín hay khoa học, song phàm cái gì tồn tại mấy nghìn năm mà không mai một, nghĩa là cái đó có giá trị, ít nhất cũng về mặt tâm linh. Chẳng thế mà cứ hôm nào chúng ta quên hoặc bận không thể thắp hương ở bàn thờ gia tiên hay bàn thờ ông Táo, chắc hẳn hôm đó ta sẽ thấy không yên, không được thanh thản.
Nói là tin tưởng tổ tiên, nhưng tận trong thân tâm của không ít người lại đi “đôi co” với tổ tiên nếu chẳng may bắt phải thẻ xăm xấu. Hành động khá phổ biến là đốt lá xăm “hạ hạ” và xin lại cho đến khi nào được xăm “thượng thượng” mới thôi.
Xin xăm chỉ nên thực hiện 1 lần. (Ảnh minh họa: Internet)
Giáo sư, tiến sĩ Cao Ngọc Lân, người đã có mấy mươi năm nghiên cứu về văn hóa tâm linh và những truyền thống cúng lễ của người Việt, cho rằng làm thế là không đúng. Thần linh cho như thế nào thì ta nên chấp nhận như thế ấy, có muốn khác cũng chẳng được.
Cũng giống như xin xăm, các hoạt động khác như thắp hương hay xin keo đều có quy luật riêng. Nếu ta làm sai, tổ tiên sẽ không hiển linh và mục tiêu “đi thỉnh ý thần linh” vào đầu năm mới sẽ chỉ hoài công.
Xăm chỉ xin một lần, keo xin bất quá tam
Keo chính là hai mảnh ghép âm dương mà chúng ta thường thảy trước khi xin xăm. Tuy nhiên, người ta không chỉ xin keo vào dịp đầu năm mà quanh năm suốt tháng, mỗi khi có chuyện rối trí chưa biết hỏi ai, ta có thể đến đây để thỉnh ý thần linh bằng cách thảy keo.
Giáo sư Cao Ngọc Lân giải thích khá rõ quy trình xin keo. Chúng ta phải khấn vái tên tuổi, địa chỉ cư ngụ, ngày tháng hiện tại (theo lịch Âm) và nói lời cầu xin trước. Đến 3-4 phút sau mới quay lại và thảy keo. Giáo sư cho rằng đây là khoảng thời gian để thần linh tìm đến tận nhà ta để xem xét. Nếu một sấp, một ngửa, nghĩa là lời cầu xin của chúng ta đã ứng nghiệm. Nếu hai mảnh keo cùng ngửa nghĩa là lời cầu xin của ta không rõ, không cụ thể nên thần linh chưa trả lời được. Người xin keo có thể cầu lại rõ ràng theo trình tự như trên. Nếu hai mảnh keo cùng sấp nghĩa là thần linh không tán thành lời cầu xin của ta. Thảy keo đến lần thứ ba mà vẫn không được một sấp một ngửa, ta nên dừng và chờ một thời gian sau hãy quay lại xin keo với một câu hỏi khác.
Xin keo quá tam 3 bận. (Ảnh minh họa: Internet)
Xong keo ta đến xin xăm. Đầu năm kẻ chờ người đợi, xếp hàng rồng rắn, ai cũng phải tranh thủ, đến lắc ống xăm cũng phải tranh thủ. Theo phong tục thì thẻ xăm đầu tiên rớt ra chính là số mạng của ta nằm trong đó. Thế nhỡ rớt ra hơn một cái thì sao? Nhiều người bảo nhặt lấy cái đầu tiên, nhưng xăm hầu như rớt ra cùng lúc, biết đâu là cái đầu tiên? Thế là chị nào muốn chắc ăn để không bỏ công lên chùa thì quyết tâm lắc lại bất chấp cái tặc lưỡi dài thượt của mấy bác đang “canh me” ngay sau lưng.
Giáo sư Cao Ngọc Lân bảo chẳng cần phải khổ thế. Nếu rớt ra nhiều hơn một thẻ, ta có thể lấy bất kì thẻ nào cũng được. Để tránh mất thời gian phiền phức, ta có thể rút thẻ từ trong ống. Mức độ chính xác đều như nhau. Cũng từ lí do này, đừng ai vì bốc nhầm thẻ xăm xấu mà xin lại nhiều lần, làm thế cũng không thay đổi được số mệnh. Thay vào đó, hãy thận trọng hơn trong hành động và luôn giữ tinh thần lạc quan. Làm nhiều điều thiện, tu tâm tích đức có thể giúp vận mạng xấu nhiều thành xấu ít, xấu ít thành không.
2. Đốt cả bó nhang
Ai lên chùa, vô miếu mà không muốn thắp một nén nhang cho ấm miếu, ấm chùa. Để rồi ta cũng được “thơm lây” mùi nhang chốn thanh tịnh. Hương theo về, nhà cửa cũng sáng sủa ra. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta dường như sợ chỉ cắm một cây nhang e rằng chưa “đủ đô”, nên ai cũng mua cả bó 30 cây nhang, thậm chí vài bó rồi thắp hết mọi nơi mọi chỗ trong chùa.
Ai cũng cầm cả bó nhang thi nhau cắm. (Ảnh minh họa: Internet)
Gặp phải ngày xuân ngày rằm, nhà nhà từ bốn phương tám hướng lũ lượt đổ xô đến các địa điểm tâm linh. Lư hương thì ít, thế là chẳng ai bảo ai, người này bắt chước người kia, chỗ nào cắm được là dúi cả ba cây nhang hay nửa bó nhang xuống.
Hương khói mù mịt chốn tu hành, chảy cả nước mũi, mờ cả mắt thế nên chẳng ai nhìn thấy mấy tấm biển ghi rõ: “Lòng thành xin thắp một cây nhang”, “Mỗi người chỉ một nén nhang vào lễ Phật”. Mà có thấy họ cũng giả mù. Cả những bồn hoa, bãi cỏ đã có biển đề lồ lộ: “Không thắp nhang” thế nhưng người ta cũng chẳng tha, mạnh ai nấy thắp vì “nhang dư nhiều quá, chẳng nhẽ mang về”.
Thế là những nơi góc kẹt ngày thường lạnh lẽo cô đơn, nay lại có trăm vị cắm hết cây nọ đến cây kia. Nhang đổ trăm hướng, ngả nghiêng nháo nhào. Ở dưới đất thì không sao, nhưng nhang xiêu vẹo rồi oằn xuống đến 90° trên lư hương cao thể nào cũng quẹt trúng tay rồi hư quần hư áo người thắp sau. Đi lễ chùa để lấy lộc mà thỉnh thoảng ta lại phải nghe tiếng càu nhàu và chứng kiến những cái lườm nguýt dài cả cây số. Người thắp nhang cũng không thể đứng đàng hoàng để cắm thẳng thóm cây nhang xuống lư hương mà cứ phải ẹo bên này, lách bên kia để trách bị nhang “chích”.
Chỗ nào cũng thành nơi cắm nhang. (Ảnh minh họa: Internet)
Nắm bắt nhu cầu thắp nhang của mọi tầng lớp, trước cổng chùa, người làm ăn buôn bán cũng tranh nhau tiếp thị đủ loại nhang thơm với mùi, kích cỡ, màu sắc rất bắt mắt mà chất lượng thì chưa ai dám kiểm định là an toàn, không chứa hóa chất độc hại. Vậy là trên lư hương ngày nay đã có sự phân hóa rõ rệt. Người nghèo thì mua nhang thường. Người có tiền, ưa lịch sự, muốn thần linh để ý đến mình hơn thì thắp nhang sang hơn.
Giáo sư Cao Ngọc Lân bảo: “Nhang nào cũng thế! Người nghèo thắp nhang thường thì cũng gọi được đúng vị tổ tiên đó. Người giàu thắp nhang sang thì cũng mời được đúng vị tổ tiên của họ. Nhang chẳng qua là phương tiện mời ông bà tổ tiên chứ chẳng phải loại nào thơm, đẹp thì người thắp sẽ gặp may mắn, được toại ý hơn. Điều quan trọng là người ta phải có cái tâm thì tổ tiên mới chứng giám”.
Nhân nói về cái tâm, giáo sư Ngọc Lân cho biết ông đi chùa không bao giờ thắp nhang. Ấy thế là người ta bảo: “Ô cái ông này! Đi chùa mà không thắp nhang. Bó nhang có 7.000 đồng mà ông không mua được thì lòng thành để đâu?”. “Lòng thành đương nhiên là để ở trong tim, để ở trên đầu chứ vào chùa người ta đã khói nhang nghi ngút thế kia, mình thắp thêm chỉ tổ làm đen chùa đen tượng chứ được gì. Chi bằng lấy tiền ấy bỏ vào thùng công đức”, giáo sư Ngọc Lân kể.
Nhét chùa vào tay Phật là hành động thiếu hiểu biết. (Ảnh minh họa: Internet)
Nhiều người không biết cách thể hiện cái tâm mà cứ lấy tiền ra để “thị uy” với Phật. Nên mới từng có ghi nhận đau lòng xảy ra tại ngôi chùa Bái Đính ở Ninh Bình vào dịp đầu năm. Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng với nhiều kỷ lục như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Vậy nhưng người ta đến cửa chùa mà không tin, không hiểu Phật nên cả nghìn người cầm theo xấp tiền lẻ tìm mọi cách để nhét tiền vào tay, vào miệng, vào tất tần tật bất cứ chỗ nào trên tượng Phật mà họ có thể nhét. Thậm chí những bức tượng dát vàng nằm trong tủ kính người ta cũng đập vỡ cả kính để đút mấy đồng lẻ vào.
Những cây quất, linh vật, ao bể và vô số nơi đã ghi rõ biển cấm để tiền nhưng cực chẳng đã cũng phải nhận tiền của những người thiếu ý thức. Ông bà ta có câu Phật tại tâm. Phật đã bỏ tất cả vinh hoa để đến chốn tu hành thì chúng ta cứ oang oang mâm cao cổ đầy hối lộ Phật cũng đâu được gì. Lên chùa mà cứ chăm chăm sờ tay Phật, xoa chân Phật đến đen nhẵn, đến gãy cả tay tượng để lấy may, rồi đốt vàng mã muội than bay đầy đầu, thắp cả bó nhang và vứt vỏ nhang lung tung khắp sân điện để những người làm công quả phải dọn dẹp, nhắc nhở.
Thật xót xa khi những nén nhang vừa chạm đến chân đế đã bị rút ra nhúng nước hay bỏ vào lò ngay lập tức để tránh ô nhiễm, hỏa hoạn. Vậy lời cầu xin của chúng sanh liệu có đến được tai Phật?
Vậy lên chùa nên thắp bao nhiêu nén nhang?
Lên chùa thắp một nén hương
Thành tâm khấn vái, mười phương độ trì
Thắp nhiều nhang quá làm chi
Khói đen ám tượng, lấy gì phước đây.
Bốn câu thơ tha thiết được khắc trên chùa Từ Vân ở Cam Ranh lại một lần nữa khẳng định câu: Chỉ một nén hương là đủ.
Đi chùa quan trọng nhất là thành tâm. (Ảnh minh họa: Internet)
Giáo sư Cao Ngọc Lân giải thích quy luật thắp hương như sau: “Chúng ta thắp hương theo số lượng lẻ, chẳng hạn một, ba, năm. Một là bản thân (nhân), ba là thiên - địa - nhân, năm là ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Khi nào giỗ chạp hoặc cúng bái thì thắp ba nén nhang theo hàng ngang. Khi có lễ lớn như vinh quy, lễ tổ, lễ phong, động thổ… thì thắp năm nén nhang theo hình chữ thập. Còn hàng ngày, ta chỉ cần thắp một nén nhang ở mỗi lư hương. Thắp nhiều chỉ chứng minh ta thiếu kiến thức về tâm linh và khiến những vong hồn lang thang sẽ theo vào, không tốt”.
Như vậy, khi lên chùa hay đình miếu, ta chỉ cần thắp một nén hương để mời thần linh về chứng giám nếu ở đó khói nhang lạnh lẽo, chưa có ai thắp. Gặp nơi nhang đèn đầy đủ, ta chỉ thành tâm khấn thầm mà không cần phải thắp thêm vì thần linh đã có mặt rồi. Điều quan trọng là ta phải hết sức tập trung tư tưởng, không để quang cảnh ảnh hưởng đến tâm trí và bắt đầu nghĩ về tâm nguyện của mình.
3. “Bỏ bùa cho sư”
Phần lớn chúng ta đi chùa dạng “vãng lai” nên không phải ai cũng biết các quy tắc, lễ nghĩa ở nơi tôn nghiêm, dễ dẫn tới những hành vi khó coi, làm mất ý nghĩa của việc đi chùa. Dù điều quan trọng nhất là lòng thành, nhưng nếu không biết thể hiện lòng thành ấy qua cách ăn mặc, đi đứng, nói năng thì bao nhiêu phước đức tích được cũng hỏng.
Đừng nên mặc váy ngắn vào chùa. (Ảnh minh họa: Internet)
Ngày nay thời trang váy ngắn rất phổ biến, được nhiều chị em lựa chọn cho việc đi chơi cũng như đi làm. Nhiều người tiện thể mặc luôn bộ váy công sở vô chùa quỳ lạy khấn vái mà không hề biết trang phục của mình khá phản cảm. Nếu bị nhắc nhở, chắc trong lòng họ cũng có vướng mắc: "Váy của tôi dài quá gối cơ mà?". Tuy nhiên, bộ váy lịch sự cũng chưa đáng trách bằng những người vô ý tứ, mặc áo lòi trên, hở dưới, trễ nãi hoặc quần áo lôi thôi, suồng sã như đồ mặc nhà.
Ca dao xưa có câu: "Ba cô đội gạo lên chùa, Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư. Sư về, sư ốm tương tư. Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu. Ai làm cho dạ sư sầu? Cho ruột sư héo như bầu đứt dây".
Điều này ngụ ý nhắc khéo chị em đi chùa nên biết nhập gia tùy tục, mặc những trang phục dài, kín cổ, không hở lườn, lộ nách, không quá sặc sỡ để tránh "đốt mắt" người xung quanh. Cánh mày râu cũng không nên mặc quần lửng vào chùa. Nếu có điều kiện, bạn có thể may một bộ áo tràng màu nâu, đen, lam, vàng hoặc nâu đỏ, chuyên để dùng khi đi chùa.
Đi chùa là một nét đẹp tâm linh của văn hóa Việt. Tin thì có, không tin thì không có. Tin thì trúng, không tin thì không trúng. Đi chùa, tuân theo các quy định nhà chùa và thực hiện với niềm tin thành khẩn là ta đã bắt đầu một xuân mới trong sự che chở của ơn trên.
Xem thêm những chia sẻ hữu ích về kinh nghiệm hay: