Canh cua là món ăn giàu dinh dưỡng lại mát nên được rất nhiều người yêu thích. Trời nắng nóng mà được bát canh cua lại thêm ít cà muối nữa thì đúng là 'tuyệt cú mèo'. Tuy nhiên, khi ăn canh cua các mẹ phải cẩn trọng nhé. Vì trời nắng nóng thế này nguy cơ bị ngộ độc cao lắm. Mới đây đã có một gia đình phải nhập viện vì bị ngộ độc sau khi ăn canh cua đấy. 

Nội dung cụ thể mình chia sẻ ở bên dưới nha mọi người. 

hình ảnh

Mùa hè ăn canh cua rất ngon. Ảnh minh họa, nguồn: VTC

Bị ngộ độc phải nhập viện sau khi ăn canh cua

Đó là trường hợp của gia đình anh Lê Ngọc (39 tuổi, ở Hà Nội). Theo đó, anh Ngọc và cô con gái 17 tuổi phải nhập viện Tâm Anh để cấp cứu trong đêm 11/6. 30 phút sau đó, vợ và con trai nhỏ của anh cũng phải nhập viện. 

Anh Ngọc chia sẻ: Trước đó, gia đình anh có ăn cỗ đặt sẵn. Mọi người ăn nhiều món khác nhau nhưng bản thân anh chỉ ăn món canh cua. Khoảng 3 tiếng sau đó, cả gia đình anh bị đau bụng dữ dội kèm triệu chứng đi đại tiện phân lỏng, nôn và buồn nôn. Riêng vợ anh còn có dấu hiệu sốt và rét run. 

Ths. BS Hà Thùy Trang (Khoa Tiêu hóa) cho hay: Khi nhập viện, các triệu chứng của cả 4 bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm dẫn tới mất nước và rối loạn điện giải. Đây là biểu hiện điển hình của ngộ độc thức ăn. Bệnh nhân được làm xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và điều trị phù hợp. Sau 3 ngày, cả 4 người đã bình phục và được xuất viện. 

Ths. Trang cho hay: Thời tiết nắng nóng như thế này, nếu thực phẩm không được chế biến và bảo quản hợp lý thì rất dễ nhiễm khuẩn. Đặc biệt, người thường xuyên đặt đồ ăn sẵn như gia đình anh Ngọc phải hết sức chú ý, nên lựa chọn ở nơi uy tín và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

hình ảnh

Bị ngộ độc vì ăn canh cua. Ảnh minh họa, nguồn: housefun

Tại sao lại bị ngộ độc canh cua?

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Canh cua là món ăn giàu dinh dưỡng. PGS. Lâm phân tích: Cua đồng khi nấu kết hợp với các loại rau như mồng tơi, mướp, rau đay... còn bổ sung thêm chất khoáng, chất xơ cho cơ thể. 

Tuy nhiên, nếu không được chế biến và bảo quản không tốt thì nó rất dễ bị nhiễm khuẩn. Từ đó dẫn tới tình trạng ngộ độc cấp tính. 

Theo bà, ngộ độc do canh cua có thể do nhiều nguyên nhân như:

+ Nguyên liệu đầu vào không tươi ngon:

Nghĩa là trước khi được chế biến, cua đã không còn sống nữa. Lúc này, cua sẽ tiết ra nhiều chất histidine. Chất này có thể gây ngộ độc, đau bụng, nôn mửa cho người ăn. Cua 'đi đời' càng sớm thì lượng hisitdine càng cao nên nguy cơ ngộ độc càng lớn. 

+ Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng, nhất là trong những ngày nóng nực như hiện tại. Nếu canh cua đã nấu chín rồi mà bạn dùng thìa dính thịt cua sống để múc canh sẽ khiến thực phẩm sống chín lẫn lộn. Từ đó gây ra tình trạng ngộ độc. 

+ Khâu bảo quản:

Bà Lâm cho hay: Canh đã được nấu chín nhưng để lâu mà không bảo quản tốt khiến canh bị nhiễm vi khuẩn và dẫn tới ôi thiu. Lúc này, khi bạn ăn phải, vi khuẩn sẽ nhanh chóng phân tán và gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, bạn không nên tiếc của mà để canh cua qua đêm hoặc nấu đi nấu lại nhiều lần. Lý do là vì trong cua có chứa nhiều chất đạm cùng vitamin. Canh còn thừa từ bữa trước kể cả được bảo quản trong tủ lạnh cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Thậm chí, khi bạn nấu lại vẫn không tiêu diệt hết được nên vẫn có thể gây ngộ độc. 

Ngoài ra, theo PGS. Lâm, những con cua sống tại vùng nước bị ô nhiễm thì cũng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. 

Trên đây là những thông tin liên quan mà mình tìm hiểu được thông qua báo chí. Giờ trời nóng nực nên ăn uống phải cẩn thận các mẹ ạ. Tốt nhất là ra chợ tự mua đồ tươi về mà nấu, ăn tới đâu nấu tới đấy chứ đừng để thừa, chẳng may ngộ độc thì khổ lắm, mệt người.