Trẻ ăn dặm bị táo bón khiến mẹ bỉm lo lắng không biết mình đã chế biến thức ăn sai cách hay vì con chưa sẵn sàng để ăn thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Bài viết sau đây sẽ giải tỏa những băn khoăn này.
Vì sao trẻ ăn dặm bị táo bón?
Táo bón là một trong những tình trạng rối loạn tiêu hóa hay gặp ở trẻ sơ sinh và các bé nhỏ nói chung. Bé được chẩn đoán là bị táo bón khi đại tiện ít hơn bình thường và phân khô, cứng hơn. Các bé bú mẹ hoặc ti sữa công thức rất hiếm gặp tình trạng táo bón nên nếu con đang trong độ tuổi dưới 6 tháng, chưa làm quen với thức ăn đặc nhưng có dấu hiệu táo bón thì cần được thăm khám với bác sĩ nhi khoa ngay.
(Nguồn ảnh vienyhocungdung)
Trái lại, khi đã bước vào giai đoạn ăn dặm thì việc con bị táo bón lại là tình trạng hay gặp phải. Vì con đang trải qua quá trình chuyển đổi từ chế độ chỉ có sữa sang thức ăn đặc, đa dạng và phức tạp hơn nên cơ thể con sẽ có nhiều sự thay đổi. Đây thực sự không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trẻ ăn dặm bị táo bón có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:
Do hệ tiêu hóa của con chưa quen với việc xử lý các thực phẩm lạ
Khi bắt đầu cho bé ăn thức ăn đặc, mẹ sẽ thấy sự thay đổi của phân về màu sắc, mùi, lượng và tần suất đi ngoài của con. Có khi mẹ sẽ quan sát được cả thức ăn lẫn trong phân. Đây là biểu hiện bình thường vì hệ tiêu hóa của con đang làm quen với việc xử lý những thực phẩm này.
Mẹ tập cho con ăn dặm quá sớm
Trẻ ăn dặm bị táo bón có thể là vì con chưa đến thời điểm thích hợp để ăn thức ăn đặc. Trẻ chưa sẵn sàng nhưng mẹ nóng lòng tập cho con ăn, hoặc tuy mới tập ăn nhưng mẹ cho con ăn lượng quá nhiều. Điều này khiến hệ tiêu hóa của bé bị quá tải, có thể gây ra táo bón.
Mẹ bổ sung nước không đủ cho con
Khi bé đã bước vào độ tuổi ăn dặm, mẹ cần chú ý sử dụng nước cho con và chú ý nhu cầu nước cho con theo từng tháng tuổi. Vì hệ tiêu hóa của con phải làm quen với thực phẩm mới và nếu không có đủ nước thì phân của con sẽ khô, cứng và khó để đẩy ra ngoài, kéo dài sẽ gây táo bón cho con.
Thực đơn ăn dặm của con thiếu chất xơ
Bé ăn dặm không được bổ sung đủ chất xơ sẽ gây ra tình trạng trẻ ăn dặm bị táo bón. Mẹ lưu ý nên cho con ăn rau xanh, trái cây và để con làm quen với các loại ngũ cốc nguyên hạt để cơ thể được bổ sung đủ lượng chất xơ cần thiết nhé.
(Nguồn ảnh genetica)
Con mắc các bệnh lý đường ruột
Bé bị táo bón khi ăn dặm có thể do các bệnh lý như:
- Bệnh đường tiêu hóa, trực tràng, hậu môn,...
- Bệnh liên quan đến hệ thần kinh
- Các vấn đề về nội tiết, như suy giáp.
Nếu bé đang sử dụng thuốc mà có loại chứa sắt, codeine hoặc thuốc chống trầm cảm thì cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón.
Có thể mẹ chưa biết: Dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm mẹ không nên bỏ qua
Cách xử lý khi trẻ ăn dặm bị táo bón
- Chú ý đến chế độ ăn
Khi cho bé ăn dặm, cần tuân theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ mềm, lỏng đến đặc và cứng hơn. Lúc pha sữa công thức cho bé mẹ cũng cần pha đúng tỉ lệ theo hãng hướng dẫn.
Bữa ăn dặm của con cần có các loại rau củ quả để bổ sung chất xơ. Mẹ đừng cho con ăn qáu nhiều đạm vì hệ tiêu hóa non nớt của bé chưa thể tiêu hóa tốt được, cần cho con làm quen với lượng nhỏ, ít và tăng dần lên.
- Bổ sung nước
Khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ nên tập cho con uống nước mỗi ngày và chủ động cho con uống nước, vì bé còn chưa biết đòi uống khi khát. Nước được cung cấp đủ cho cơ thể sẽ giúp phân mềm hơn, cải thiện tình trạng táo bón.
- Cho con vận động nhiều hơn
Bé nào ít có thời gian vận động mỗi ngày thường dễ bị táo bón hơn. Ba mẹ hãy cho con tập bò, trườn, vận động tay chân nhiều hơn thay vì thường xuyên nằm chơi. Đây là cách thúc đẩy đường ruột hoạt động tốt hơn và cải thiện tình trạng táo bón. Bài tập đạp xe cũng rất hiệu quả để trị táo bón. Mẹ hãy nhẹ nhàng giữ lấy hai chân trẻ, lần lượt gấp chân phải về phía vai phải sau đó duỗi thẳng chân ra, sau đó đổi sang bên trái.
- Massage bụng
Cách massage đơn giản là dùng hai tay xoa từ giữa bụng rồi di chuyển đến hai bên mép bụng, bung toàn bộ lòng bàn tay ấn nhẹ xuống. Sau đó là tiến hành massage lưng theo động tác vuốt dọc 2 khối cơ cạnh cột sống lưng của con theo đường xoắn ốc, kết hợp với vỗ nhẹ lên hai bả vai. Khi mát xa, hơi ấm từ tay mẹ sẽ giúp bụng con thấy dễ chịu, kích thích ruột hoạt động tốt hơn.
(Nguồn ảnh Huge.germany)
Những biện pháp này nếu đã áp dụng đúng cách nhưng vẫn không thấy hiệu quả thì bố mẹ nên cho trẻ khám tiêu hóa nhé. Bác sĩ nhi khoa sẽ tìm chính xác nguyên nhân và có cách trị trẻ ăn dặm bị táo bón hiệu quả, tránh bỏ sót các vấn đề sức khỏe gây táo bón mà ở nhà không phát hiện ra.
Vậy là mẹ đã biết nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng trẻ ăn dặm bị táo bón. Hãy nhớ quan sát các vấn đề sức khỏe của con để kịp thời giải quyết, không để tình trạng nặng hơn bố mẹ nhé.
Nguồn thông tin: Vinmec
Xem thêm bài viết liên quan:
7 ghế ăn dặm cho bé chất lượng, an toàn, giúp con có dáng ngồi chuẩn từ nhỏ
8 bột ăn dặm cho bé đảm bảo dinh dưỡng mẹ không thể bỏ qua
Chia sẻ thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng đầy đủ dinh dưỡng, mẹ nên ghi nhớ