Nếu bạn vì lý do nào đó không thể trực tiếp cho con bú mẹ thì vẫn có thể cùng con có những trải nghiệm gần gũi thông qua việc ôm con và cho bé bú bình. Hãy tham khảo những mẹo dưới đây nhé:



Tất nhiên, ai cũng công nhận sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và nuôi con bằng sữa mẹ là việc làm được khuyến khích, nhưng có thể bạn không đủ sữa cho con, có thể bạn sắp đi làm trở lại… vì lý do nào mà bạn quyết định tập cho con bú bình thì cũng đừng lấy đó làm điều xấu hổ. Đây là quyết định cá nhân của bạn, và khi bạn đã quyết định thì hãy tích cực thực hiện.



Về việc chọn bình sữa



Điều đầu tiên cần lưu ý là an toàn và vệ sinh, bạn hãy rửa sạch, tiệt trùng cả chai và núm vú theo hướng dẫn in trên bao bì sản phẩm trước khi cho con sử dụng lần đầu tiên.




(Ảnh: GettyImages)




Mỗi em bé đều có kỹ thuật bú mút riêng, bạn có thể sẽ phải thử qua nhiều loại bình sữa và núm ti để tìm được loại hợp nhất cho con mình. Hãy chú ý đến sự thoải mái của con khi bú, bé bú có quá chậm hay quá nhanh không? Núm ti có quá to hay quá nhỏ so với miệng con? Con có bị nuốt nhiều không khí vào bụng (khiến sau đó bị đầy bụng, khó chịu) không? Con không bú được thoải mái nên cứ nhai núm ti? Nói chung, có rất nhiều thứ bạn cần để ý để nhận ra được cách bú mút của con và liệu bình sữa mà mình chọn có phù hợp với con, đó là chưa kể thói quen còn có thể thay đổi khi bé lớn lên.



Không chỉ vậy, với chiếc bình sữa, bạn còn cần quan tâm đến khớp ngậm đúng, hãy bảo đảm với chiếc bình sữa mà bạn chọn, môi của con có thể ngậm được hết núm vú để tránh bé nuốt thêm không khí vào bụng trong khi đang bú.



Tuy rằng có một số bé thích sữa ở nhiệt độ phòng hoặc nguội hơn nhưng một số chuyên gia vẫn khuyên bạn tốt nhất nên cho con bú sữa ấm, gần với nhiệt độ cơ thể. Bạn có thể hâm sữa bằng cách dùng dụng cụ hâm nóng chuyên dụng hoặc dùng một tô nước ấm (không cho bình sữa vào lò vi sóng nhé), sau đó thử nhỏ chút sữa lên vùng da ở mặt trong cổ tay mình để kiểm tra trước khi cho con bú.



Về tư thế cho con bú



Đầu tiên, bạn nên ngồi ở một chỗ thoải mái, cầm sẵn một miếng khăn vải mềm trong tay để có thể tiện lau sữa cho con. Tiếp đến hãy đỡ con trên tay ở cùng tư thế như khi cho con bú mẹ, sự tiếp xúc giữa mẹ và con càng nhiều càng tốt, vì bé sẽ được lợi hơn khi cảm nhận được làn da ấm áp, hơi thở và nhịp tim của mẹ. Bạn cũng có thể chèn thêm một chiếc gối để con được nằm thoải mái, đầu hơi nâng lên, hướng mặt về phía mẹ.



Bạn có thể để con chơi với tay mẹ, hay sờ mặt mẹ thay vì chơi với cái bình sữa cứng. Việc mẹ cầm bình sữa giúp con cũng vì lý do kỹ thuật an toàn, để mẹ có thể điều chỉnh được bình theo đúng góc độ (hãy đọc và làm theo hướng dẫn của loại bình mà mình đang sử dụng), tránh cho con bị sặc, nghẹn, hoặc bị các vấn đề răng miệng từ sớm. Thỉnh thoảng bạn cần rút bình sữa ra để con không bị nuốt vội.



Mỗi bé sẽ có tốc độ bú và nuốt riêng nên bạn đừng ép con, hãy để tự bé cho bạn biết khi nào mình đã bú xong. Nếu bé có vẻ khó chịu, hãy bế đứng bé và vuốt cho bé ợ.




(Ảnh: GettyImages)




Ngoài ra, khi cho con bú, bạn hãy tắt bớt đèn, loại trừ các yếu tố gây xao nhãng, bạn nhìn vào mắt con, đu đưa con một chút, nói chuyện, hát cho con nghe… Bởi bây giờ giữa bạn và con còn có một cái bình sữa, nên bạn cần tập trung hơn để trải nghiệm này thêm gần gũi.



Khi cho con bú bình ở nơi công cộng, bạn cũng hãy làm như khi cho con bú mẹ: tìm nơi yên tĩnh, thoải mái, thậm chí có thể choàng chăn mỏng hoặc khăn qua vai mình, che con để tạo nên không gian thoải mái, không khiến bé bị xao nhãng.



Nếu con bạn quen bú mẹ, có thể ban đầu bé sẽ không chịu bình đâu. Bạn đừng cố ép con, nhưng hãy thử lại mỗi ngày.