Tôi nuôi con thông minh bằng cả tình thương yêu của mình
Còn nhớ những lần đầu tiên áp dụng bài tập thai giáo cho con, tôi thấy cứ ngượng ngịu và buồn cười khi nhìn cái bụng mà nói chuyện.
Lấy chồng chỉ hơn 2 tháng, tôi đã cấn bầu ngay. Cuộc sống chung với gia đình chồng chưa quen, lại thêm cái thai hành nên tôi quá mệt mỏi đành xin nghỉ làm ở nhà dưỡng thai. Thời gian đầu ở nhà với tôi quả thật là cực hình, vừa buồn vì không được sống trong môi trường làm việc, vừa khó chịu vì cái cảm giác ở nhà ăn bám chồng nên tôi rất hay cau có và đôi khi lại có cảm giác chán ghét với chính cái bầu của mình (giờ nghĩ lại tôi còn thấy có lỗi với con)
Nhưng rồi 3 tháng đầu của thai kỳ trôi qua nhanh, bé cưng của tôi đã bớt hành mẹ nó và tinh thần tôi cũng thoải mái hơn nhiều khi nhận được tình thương yêu, sự chăm sóc chu đáo của gia đình nhà chồng. Và hình như bé yêu nhà tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi tích cực của mẹ hay sao nên ra chiều phấn chấn và cứ ngọ nguậy, thúc vào bụng tôi liên tục. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm với con hơn và tự nhủ sẽ tận dụng thời gian đang nghỉ ở nhà để chăm sóc cho mình và cho con thật tốt.
Tôi chịu khó ăn uống đều đặn, ăn rất nhiều trái cây và rau củ để không bị bón và đảm bảo mỗi ngày đều nạp đủ 2 ly sữa bầu. Tuần 2 buổi, tôi dành khoảng một tiếng để đi bơi và đi bộ thư giãn ra công viên, để bé yêu được sống chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ. Cũng vì có nhiều thời gian rỗi, nên tôi tham gia khá thường xuyên vào các lớp tư vấn tiền sản để nghe các bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống, về cách chăm sóc thai và những lưu ý khi sinh nở… Có rất nhiều thông tin hay, thú vị mà tôi có thể áp dụng trong việc chăm sóc con từ lúc mang thai cho đến bây giờ, ví dụ như tập thói quen nói chuyện cùng con về mọi chuyện, trong mọi tình huống hay cho con nghe nhạc vào mỗi sáng và mỗi tối trước khi ngủ…
Còn nhớ những lần đầu tiên áp dụng bài tập thai giáo cho con, tôi thấy cứ ngượng ngịu và buồn cười khi nhìn cái bụng con mà nói chuyện. Nhưng chỉ một vài lần sau đó, bằng linh cảm của một người mẹ, tôi cảm nhận được bé dường như cũng biết lắng nghe và tương tác với mẹ bằng những cái thúc chân rất nhẹ. Từ đó trở đi, khi đi đâu, làm nghĩ, nghĩ gì tôi cũng nói chuyện với cái bụng. Có lẽ nhờ thế, mà khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày trôi qua nhanh hơn tôi nghĩ ban đầu và cô công chúa kháu khỉnh của tôi đã chào đời trong sự hân hoan của cả nhà nội ngoại. Có một điều mà ai cũng phải thừa nhận là bé Sơri (tên công chúa bé bỏng của tôi) rất hóng chuyện và phản ứng rất nhanh với các tiếng động, âm thanh xung quanh.
Sơri nhà tôi bú rất ngoan và chỉ bú sữa mẹ nên tôi quyết tâm dành cho con nguồn sữa mẹ tốt nhất trong suốt một năm đầu đời. Tôi không sợ tăng cân, cũng không sợ hư vòng một mà chỉ cốt sao có đủ lượng sữa cho con. Tôi không ăn uống kiêng khem, thậm chí còn ăn nhiều hơn lúc mang thai và vẫn duy trì chế độ ngày 2 ly sữa bầu dù đã không còn bầu. Đến giờ, dù Sơri đã gần 3 tuổi nhưng mỗi khi xem lại những hình ảnh chụp bé ôm vú mẹ, tôi vẫn còn thấy tràn ngập cái cảm giác hạnh phúc được làm mẹ. Được ôm con vào lòng mà hát ầu ơ, mà thỏ thẻ cùng con bao điều về cuộc sống xung quanh trong khi cái miệng xinh xinh của con bé vẫn bám chặt núm vú còn cặp mắt thì cứ tròn xoe nhìn mẹ và chốc chốc lại đạp cái chân nhỏ xíu khi mẹ ngừng nói chuyện hay ngừng hát.
Càng gần gũi, chăm sóc con tôi càng thấy con bé rất có thiên hướng về âm nhạc. Mỗi khi tôi bận làm việc nhà, không có thời gian trò chuyện vui chơi cùng bé, tôi đều mở nhạc cho bé nghe và cô bé rất thích thú, chăm chú nằm nghe như để cảm nhận và ghi nhớ vậy. Bé đặc biệt tỏ ra vui khi tôi mở nhạc dân ca và các bài hát thiếu nhi của bé Xuân Mai.
Chắc tại được nghe nhạc từ nhỏ và “hóng chuyện” sớm nên chưa đầy năm mà Sơri đã bi bô bi ba hát tiếng một tiếng hai theo chị Xuân Mai và đã có thể nói tên được các đồ vật trong nhà, ví như nếu muốn xem hoạt hình, bé chỉ vào nói “ti vi… mèo chuột (Tom & Jerry) hay muốn uống nước bé chỉ tay lên kệ ly và nói “nước… mẹ”.
Từ ngày có bé, nhà tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa, bởi không vui sao được khi con bé càng lớn càng lém lỉnh và “nịnh” đáo để. Mỗi khi cô Út đi đâu về hầu như đều có quà cho Sơri, lúc thì đồ chơi, lúc thì truyện tranh… Còn ông bà nội dù có bận rộn công việc nhà đến mấy cũng phải dành tuần 2 buổi đưa bé đi nhà sách chơi, bé đặc biệt rất thích chơi ở nhà sách. Còn nhớ lần đầu tiên đi nhà sách, khi đó bé khoảng hơn 15 tháng, bé thích thú chỉ trỏ hết món này đến món khác rồi còn liên tục hỏi mẹ “cái này cái gì mẹ”… Khi vừa về đến nhà, gặp bà nội và cô Út, Sơri đã nhanh nhẩu tường thuật “nhà sách nhiều người lắm… có chuông gió… có tô tượng nữa…”.
Càng gần gũi, chăm sóc con mỗi ngày, tôi càng nhận ra một điều, không phải cứ dành cho con những món ăn ngon, cầu kỳ hay những món đồ chơi đắt tiền mới là thương con. Chính tình thương yêu, sự gần gũi và quan tâm chăm sóc bé mỗi ngày khiến bé sẽ thấy tự tin hơn trong mọi hoạt động, để từ đó bé dám bộc lộ và thể hiện khả năng học hỏi cũng như những sở trường, sở đoản của bé. Chắc chắn rằng trẻ sẽ thông minh hơn khi được học hỏi liên tục, được khuyến khích và có một chỗ dựa tinh thần vững chắc là sự yêu thương và chăm sóc của cả nhà.