Cách nuôi con thông minh


Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái hầu như là vô tận, nuôi dạy một đứa trẻ nên người và thông minh là một việc đầy khó khăn...


Trí thông minh không chỉ do di truyền


Ngoài việc chăm sóc cho trẻ như: cho ăn, tắm rửa và đọc đi đọc lại những cuốn sách về nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ còn phải cực nhọc kiếm tiền để cung cấp nơi ăn ở tươm tất và những tiện nghi khác cho con mình. Cha mẹ đầu tư vào con cái với hy vọng chúng sẽ nên người cả về tinh thần lẫn thể chất. Chúng có thể là người tốt, là thiên tài, hoặc trở thành cái gì đó không làm bẽ mặt cha mẹ so với con của gia đình khác. May mắn cho chúng ta là các nhà khoa học phát hiện ra rằng, ai cũng có thể nuôi dạy con mình thông minh, nếu biết cách. Nếu không trở thành nhà khoa học vũ trụ thì chúng cũng làm được những điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.


Dù có lúc người ta tin rằng trí thông minh hoàn toàn do di truyền, nhưng những phát hiện mới nhất lại không đồng tình như vậy. Môi trường đứa trẻ lớn lên và người nuôi dạy chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trí thông minh và khả năng thích nghi của trẻ với cuộc sống tương lai. Theo Tiến sĩ thần kinh học David Perlmutter tại Naples, Florida, tác giả của cuốn sách “Raise a Smarter Child by Kindergarten”, thì từ lúc ra đời đến năm lên 3, đứa trẻ nào cũng có cơ hội đạt được thương số thông minh (I.Q.) trên dưới 30. Các bậc cha mẹ nên làm mọi cách cho con mình đạt được con số khá lý tưởng này bằng các biện pháp như cho con bú sữa mẹ ít nhất một năm đầu từ ngày cháu bé ra đời, hạn chế trẻ xem truyền hình quá sớm và tăng thêm kỹ năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ. “Trẻ sinh ra có 100 tỉ tế bào thần kinh. Trong những năm đầu đời, một số tế bào bị lãng phí, số khác thì tàn úa, chỉ có một phần được tận dụng. Chúng ta gọi đây là sự chọn lọc tự nhiên, nhưng nếu biết cách, phần tàn úa sẽ giảm nhiều” - David Perlmutter viết. Tiến sĩ Jonathan Gitlin, giáo sư nhi khoa và di truyền tại trường Y ĐH Washington ở St. Louis, đề nghị các bậc cha mẹ nên tập trung vào việc vun xén và nâng cao những năng khiếu bẩm sinh của trẻ. Vấn đề còn lại là làm sao phát hiện ra chúng. “Trong khi chúng ta thích lo từ A-Z cho con cái, thì có hai thứ thường bị các bậc cha mẹ đánh giá thấp trong việc nuôi con. Đó là dinh dưỡng và tình yêu” – Gitlin nói. Dinh dưỡng tốt không chỉ giúp trẻ mạnh khoẻ hơn, mà còn tốt cho bộ não của chúng, nơi quyết định trí thông minh. Dinh dưỡng ngay từ lúc trẻ còn trong thai, chứ không chỉ sau khi bé đã ra đời. Nói về dinh dưỡng thì dù các chất có trong sữa mẹ cũng có trong sữa bột, nhưng sữa mẹ vẫn tốt hơn, vì trong sữa mẹ còn có cả tình mẫu tử. “Tôi đánh giá cao việc nuôi con bằng sữa mẹ, vì đây là yếu tố ràng buộc tình cảm mẹ con” – Gitlin nhấn mạnh.


Đóng góp của cha mẹ và công đồng


Nhiều chuyên viên cho rằng, trí thông minh cảm xúc, tức cách con người phản ứng với xã hội chung quanh, cũng quan trọng không thua gì I.Q. trong sự thành công. “Nhiều người có I.Q. cao nhưng vẫn không được giao những chức vụ quan trọng cần đến kỹ năng tương tác xã hội, chỉ vì họ thiếu trí thông minh cảm xúc và không thể lãnh đạo được người khác” – Tiến sĩ Kathy Hirsh-Pasek, giáo sư tâm lý ĐH Temple ở Philadelphia viết trong cuốn sách “Einstein Never Used Flashcards: How Our Children Really Learn”. Đồng tác giả với bà là nhà tâm lý trẻ em Roberta Golinkoff, giáo sư ĐH Delaware. Hirsh-Pasek nói, trẻ em cho dù đó là thần đồng, cũng cần học kỹ năng tương tác xã hội từ rất sớm để dễ dàng hòa nhập sau này. “Chính trong những lúc yên tĩnh, trẻ đã tự tìm ra cách lấp đầy khoảng trống bằng giao tiếp với thế giới, bạn bè chung quanh, từ đó, chúng sẽ phát hiện ra nhiều điều phi thường” – bà nói.


Dù chưa có công thức nào và mô hình nào vĩnh cửu để nuôi dạy một đứa con thông minh, nhưng 8 bí quyết sau đây của Tiến sĩ David Perlmutter cũng đáng để các bậc cha mẹ tham khảo vì tính nghiêm túc và khoa học của nó.


1. Hãy để trẻ phát huy bản năng tự nhiên


Hãy thoải mái trong việc nuôi dạy con cái, tránh căng thẳng, đừng o ép, lèo lái trẻ đi theo hướng nào một cách khiên cưỡng, mà hãy tôn trọng bản năng tự nhiên của chúng. Tùy thực trạng của trẻ chứ không nên rập khuôn theo một phương pháp nuôi con cứng nhắc.


2. Hãy nuôi con bằng sữa mẹ


Sữa mẹ chứa DHA, một chất béo cần thiết cho hoạt động của não. Chất này đã được đưa vào sữa hộp.


3. Khuyến khích trẻ giao tiếp


Dù không biết mức độ giao tiếp bao nhiêu là đủ, nhưng trẻ cần được tạo điều kiện giao tiếp để dễ hòa đồng trong tập thể khi lớn lên. Giao tiếp cũng giúp trẻ sớm bộc lộ khả năng lãnh đạo.


4. Chú ý đến dinh dưỡng trước khi trẻ ra đời


Ngay khi trẻ còn trong thai, dinh dưỡng thích hợp là yêu cầu rất quan trọng đối với trẻ. Trẻ cần các vitamin và dưỡng chất cần thiết trước khi chào đời. Cân bằng dinh dưỡng vào thời kỳ này sẽ bảo đảm trẻ không bị đần độn và suy nhược về sau. Dinh dưỡng nghèo nàn lúc thai nghén cũng ảnh hưởng phần nào đến não, dù sự phát triển của não chủ yếu là sau khi trẻ chào đời.


5. Giảm bớt thời gian trẻ tiếp cận với truyền hình


Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng, cho trẻ tiếp xúc với truyền hình (TH) quá sớm trong những năm đầu đời sẽ có hại hơn là có lợi, nhưng Perlmutter thì nói TH chỉ trở thành vấn đề khi trẻ lên 2. TH làm chậm khả năng nói của trẻ. Trẻ chỉ nói tốt khi tương tác nhiều với những con người cụ thể chung quanh, chứ không phải với những con người trên TH.


6. Chơi đùa


Theo Hirsh-Pasek, cách học cũng quan trọng như nội dung học. Trẻ chỉ tiếp thu tốt khi đã được chơi đùa thoải mái. Học không chỉ tại lớp học, trên TH, mà còn ngoài đời, trong môi trường thật.


7. Cho trẻ sớm làm quen với những công cụ âm nhạc


Một nghiên cứu cho thấy, trẻ được làm quen sớm với nhạc cụ như tập chơi một nhạc cụ nào đó từ năm lên 4, cũng giúp tăng I.Q. thêm 6 điểm. “Một số bậc cha mẹ cho rằng tuổi này không phải là tuổi để trẻ cảm thụ âm nhạc, nhưng thực tế lại khác” – một nhà tâm lý nói.


8. Nhiều người cùng nuôi con, thay vì một người


Đối với việc chăm sóc trẻ em, càng có nhiều người tham gia càng tốt. Sự góp sức của số đông sẽ cho trẻ nhiều chọn lựa và hỗ trợ. Trẻ cũng cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi biết mình là một phần của cộng đồng. Trí thông minh của trẻ nhờ vậy sẽ có thêm cơ hội phát triển.