Những sai lầm thường gặp


Kim Trâm, 29 tuổi, cư ngụ tại Bình Thạnh - TPHCM, khi vừa biết mình cấn thai, cô đã trang bị một lô sách nuôi con. Cô còn vào mạng để học bí quyết nuôi con. Bé gái sinh ra nặng 3 kg - một khởi đầu tốt.


Cả hai vợ chồng dồn sức lo cho con, cứ thấy thực phẩm nào quảng cáo là tốt cho phát triển trí thông minh thì mua ngay. Thế nhưng đứa bé càng được chăm sóc kỹ càng gầy ốm. Cô đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám mới biết đã phạm sai lầm từ cách cho ăn đến thức ăn. Thế là cô "khăn gói" đến Trung tâm Dinh dưỡng học cách chế biến thức ăn.


Sai lầm của Trâm được phát hiện kịp thời, còn anh Hoàng ngụ tại Bình Thạnh thì đến khi con bé nhà anh 4 tuổi anh vẫn chưa nhận ra! Nhà anh có hai người giúp việc, một chuyên nấu ăn, làm việc nhà còn cô kia lo chăm sóc em bé. Khi bé được hai tháng tuổi anh sợ sữa mẹ không đủ dưỡng chất nên cho bú giặm và thành phần của sữa ngoài các chất dinh dưỡng cần thiết còn có thêm chất "giúp phát triển trí thông minh". Anh không cho con đến nhà trẻ vì sợ bị lây bệnh, sợ ăn không đủ chất, vệ sinh trường lớp không bảo đảm... Khi Hoàng 4 tuổi, chiều cao thấp hơn các bạn cùng lứa 10 cm và cân nặng chỉ tròm trèm 10 kg.


Một sai lầm khác khiến bé chậm phát triển đó là trường hợp chị Bình ở Tân Bình - TPHCM. Do công việc làm ăn chị giao con cho ôsin. Bé Su Su phát triển tốt, nhưng tròn hai tuổi mà vẫn chưa chịu nói. Chỉ khi cô người làm xin nghỉ việc đột xuất, người cho mướn phim đến đòi liên tục phim chị mới vỡ lẽ vì sao con mình chậm nói. Cả ngày ôsin chỉ mải mê với những bộ phim, vợ chồng chị ít có thời gian nói chuyện với bé nên bé chỉ chơi một mình, không người giao tiếp làm sao ngôn ngữ phát triển. Nghe lời khuyên của bạn bè, chị gửi con đi nhà trẻ. Sau một tháng, Su Su lanh lợi hẳn ra và bắt đầu nói được khá nhiều.


Tăng cường IQ


Các chuyên gia tại Mỹ đã thực hiện nhiều nghiên cứu. Kết quả đầu tiên chứng minh là sữa mẹ giúp tăng cường IQ (tức chỉ số thông minh - intelligent quotient). Những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, được mẹ dành nhiều thời gian chăm sóc thường có IQ cao hơn trẻ khác từ 3 - 8 điểm. IQ còn bị ảnh hưởng bởi thực đơn ăn uống, theo phân tích số liệu quy mô của hệ thống trường học ở New York thì sự ảnh hưởng này rất lớn.


Cụ thể qua kiểm tra IQ của gần 1 triệu em học sinh trước và sau thay đổi thực đơn bữa trưa (với thực phẩm ít chất bảo quản, màu thực phẩm, ít màu sắc và ít dùng gia vị nhân tạo). Có đến 14% học sinh tiến bộ hơn hẳn, đặc biệt là các em có thể trạng yếu. Ngoài ra việc đến trường đúng độ tuổi cũng giúp tăng chỉ số IQ. Theo thạc sĩ Lý Minh Tiên, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, các nghiên cứu tại Nam Phi và Mỹ cho thấy mỗi năm trì hoãn đi học, chỉ số IQ của trẻ giảm đi 5 điểm.


Để có một đứa con thông minh không chỉ chăm sóc cho bé là đủ mà còn đòi hỏi bản thân các bậc làm cha mẹ phải biết cách bổ dưỡng sức khỏe cho mình. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế, khuyên: "Cha và mẹ phải có một thể lực tốt khi chuẩn bị sinh con: không suy dinh dưỡng, thừa cân, điều trị sớm các bệnh: sâu răng, ký sinh trùng, bệnh ngoài da...".


Như vậy "nghề" làm cha , làm mẹ quả thật không dễ. Thế nhưng bất kỳ ai trong chúng ta, mỗi người có một cách nuôi con riêng, khó tránh sai lầm.