Cách đây mấy năm, hồi bà ngoại mình đang còn sống ấy. Đợt đấy, bà bệnh nên phải lên viện nằm. Sau một thời gian thì bác sĩ trả về, bà ở với nhà cậu cả, các cậu với dì mình thay phiên chăm sóc. Mẹ mình đi lấy chồng xa tận Thanh Hóa còn nhà ngoại mình ở Nam Định nên không có chăm bà được, chỉ gọi điện hỏi thăm tình hình bà.

Mình còn nhớ, hôm đấy là 20 Tết. Bà ngoại đột nhiên trở nặng, các cậu gọi cho mẹ mình. Bố mẹ tức tốc về. Bố mẹ ở đó tới hôm 25 thì về nhà. Mình hỏi thì mẹ kêu bà đỡ rồi nên các cậu bảo bố mẹ về sắm Tết đi. Tối hôm trước, bà ngoại đột nhiên tỉnh táo rồi nói chuyện rất nhiều. Bà còn ăn được kha khá thức ăn luôn nên mọi người rất mừng. Vậy mà chỉ 3 hôm sau, đúng vào 28 Tết, giữa trưa dì mình gọi thông báo bà đi rồi. Mình vô cùng bàng hoàng vì hôm trước mẹ về rõ ràng bảo bà đỡ rồi mà. Sau này mình hỏi thì mẹ mới bảo: Thực ra hôm đấy ai cũng chuẩn bị tinh thần rồi. Vì người già đang bệnh mà đột nhiên tỉnh táo, nói nhiều câu linh tinh, ăn được thế là dấu hiệu báo trước rồi. Vì thế các cậu mới bảo mẹ mình về xem tranh thủ sắm Tết đi.

Hôm nay mình đọc được một bài báo, tác giả bài báo cũng kể rằng: Cô có bà nội đã qua đời ở tuổi 90. Ngày ấy, bà bị hôn mê suốt 2 tháng trời, không thể nói chuyện hay ăn uống được. Để duy trì sự sống, mọi người phải tiêm dinh dưỡng vào. Thế nhưng một ngày nọ, bà nội đột nhiên tỉnh táo, nói chuyện được với mọi người và còn có thể tự ăn. Bà luôn miệng nói rằng có một cô ở phường rất ồn ào. Nhưng mọi người không ai phản ứng vì nghĩ cô nói linh tinh.

Lúc đầu khi mới thấy bà nội như vậy, cô cảm thấy rất vui mừng vì cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy bà nội đã bình phục. Tuy nhiên người lớn trong nhà lại nói rằng đó không phải là hiện tượng tốt, không biết cầm cự được mấy ngày. Quả nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, bà nội cô ‘trút hơi thở cuối cùng’.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại sao người già lại đột nhiên thức dậy và nói những điều vô nghĩa?

Theo các chuyên gia, trước khi qua đời người già sẽ có những dấu hiệu phục hồi và sẽ nói một số điều ‘vớ vẩn’ khiến người khác không hiểu nổi. Đây thực chất là hiện tượng tự nhiên được gọi là ‘hồi quang phản chiếu’, giống như khi mặt trời chuẩn bị xuống núi, sự phản xạ của ánh sáng sẽ làm bầu trời sáng lên trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng đi vào bóng tối.

Khi một cá thể trước khi mất thì sẽ từ từ có sắc mặt hồng hào, đột nhiên hưng phấn, tinh thần phấn chấn. Lúc này, sự sống của người đó cũng dần dần bắt đầu đi tới cuối con đường.

Khoa học hiện đại lý giải rằng hành vi này có thể được gọi là ‘năng lượng còn lại của cơ thể con người được tích lại và bộc phát lần cuối’. Lý do cho sự xuất hiện của điều này là một loại phản ứng căng thẳng do cơ thể tạo ra. Khi cơ thể sắp đi tới cuối con đường, tất cả cơ quan trong cơ thể sẽ hư hỏng. Lúc này, não bộ sẽ kích hoạt phương án khẩn cấp để thực hiện cuộc đấu tranh cuối cùng. Đồng thời, tập trung năng lượng sống còn lại trong cơ thể để truyền những chỉ dẫn cuối cùng đến các cơ quan sắp ‘nghỉ việc’. Việc này nhằm giúp tăng cường sức mạnh trong thời gian cuối cùng và có được sức mạnh lần cuối. Tuy nhiên, vì là ‘đèn đã cạn dầu’ nên sức mạnh này chẳng được bao lâu. Khi năng lượng còn sót lại trong cơ thể cạn kiệt thì con người sẽ ra đi.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài việc có phản ứng này thì trước khi sang thế giới bên kia, người già cũng sẽ có một số biểu hiện như:

+ Tay chân lạnh hơn:

Đó là do cơ thể dần suy nhược, các chức năng trong cơ thể kém đi, khả năng tuần hoàn máu gặp trở ngại, không lưu thông được. Do đó, thân nhiệt của người bệnh sẽ thấp hơn bình thường. Ban đầu là tay chân lạnh sau đó là cảm giác lạnh kéo tới đùi, bụng. Tới khi cái lạnh đến tim thì đồng nghĩa với việc đã tới cuối đời.

+ Lú lẫn, vô thức:

Có nhiều người già sẽ xuất hiện biểu hiện lú lẫn trước khi ‘đi’. Đó là vì tế bào não đang chết dần khiến khả năng truyền tín hiệu gặp trục trặc. Từ đó gây ra hiện tượng lú lẫn, vô thức.

+ Không kiểm soát được:

Những ngày cuối đời, não bộ không thể kiểm soát hoàn toàn cơ thể nên sẽ xuất hiện tình trạng đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.

+ Thở yếu:

Những người sắp mất, hơi thở của họ yếu ớt vô cùng, nhịp thở cũng chậm hơn hẳn. Đó là vì hệ hô hấp cũng đang chuyển sang trạng thái ‘nghỉ việc’ nên hơi thở ngày một trở nên yếu hơn.

Do đó, nếu thấy người già trong gia đình mình mà xuất hiện một trong những triệu chứng này, hãy quan tâm và đồng hành, ở bên họ nhiều hơn. Bởi thời gian họ còn sống trên nhân thế với chúng ta chẳng còn bao lâu nữa đâu. Đừng để tới lúc họ rời xa chúng ta mãi mãi rồi lại mới thấy hối hận, chẳng kịp nữa rồi.

Nguồn: Tổng hợp