Con cả, con thứ, con út, thứ tự sinh ra không chỉ ảnh hưởng đến tính cách mà còn ảnh hưởng đến lòng hiếu thảo của đứa trẻ.
Nghe hơi khó tin, “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, con hiếu thảo hay không thì tùy tính nết từng đứa chứ sao liên quan đến con sinh ra trước, con sinh ra sau. Vậy mà các chuyên gia tâm lý học đã chứng minh được đó các mẹ.
Theo Kevin Leman, một nhà tâm lý học người Mỹ nổi tiếng và là bậc thầy về lý thuyết xếp hạng thì thứ tự sinh có ảnh hưởng đến sự hiếu thảo, do nó quyết định tính cách của những đứa con trong gia đình. Kết luận này ông thu được thông qua một cuộc khảo sát.
Con giữa, con thứ hai trong nhà là đứa hiếu thảo nhất
Theo các chuyên gia tâm lý thì thứ tự sinh quyết định lòng hiếu thảo đều do quá trình phát triển mối quan hệ cha mẹ - con cái từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Hay nói nôm na là cách cha mẹ đối xử với đứa con thế nào, đặt vai trò của con trong gia đình ra sao sẽ quyết định tính cách con, cũng như tấm lòng của con dành cho cha mẹ.
Ảnh minh họa, nguồn: xinhuanet
Sau đây là phân tích từ khảo sát của chuyên gia tâm lý:
1. Con cả, con đầu
Trong một gia đình nhiều con, con cả, anh chị lớn thường sẽ tiếp bước cha mẹ, thích kiểm soát mọi thứ và cảm giác mình có quyền hành dạy dỗ các em như cha mẹ vậy. Điều này xuất phát từ cách dạy của cha mẹ rằng anh chị lớn sau này phải thay cha mẹ lo cho em, dạy dỗ em, điều này khiến con cả dễ hiểu sai, tự nâng quyền của mình hoặc cảm thấy cha mẹ không công bằng, bắt mình phải lo cho các em.
Liên quan đến lòng hiếu thảo thì thường con lớn nhất không phải đứa hiếu thảo nhất. Vì là con đầu nên khi sinh ra nhận được tất sự quan tâm của cha mẹ, dễ thành người cầu toàn do áp lực từ phía cha mẹ, đồng thời dễ phát triển tính ích kỷ, độc đoán. Sau khi các em lần lượt ra đời, con cả sẽ cảm thấy mình bị mất đi tình thương của cha mẹ, cảm giác cha mẹ không thương mình nữa, lớn lên cũng không quá gần gũi, hiếu thuận.
2. Con giữa, con thứ
Con giữa sinh ra khi đã có con lớn và sau đó có thêm em nhỏ, trong mắt con, anh chị lớn là người được nhận nhiều đặc quyền, con sẽ phải ngoan ngoãn trước anh chị. Với em nhỏ, con phải nhường nhịn em, bên cạnh đó, vì phải ở giữa những đứa con khác, con thứ thường sẽ phải cố gắng làm vui lòng cha mẹ để được thương yêu.
Con thứ hai có xu hướng tự lập hơn trong học tập và cuộc sống, sẽ tự thu xếp cuộc sống của mình tốt hơn. Đồng thời có xu hướng muốn được gần gũi cha mẹ hơn và thường là đứa con hiếu thảo nhất.
Ảnh minh họa, nguồn: UC
3. Con út
Đây là đứa con được yêu thương nhất trong nhà nên thường phát triển tính cách vô tư nhận tình thương từ tất cả mọi người. Con út sống tình cảm nhưng thường không thích gánh trách nhiệm.
Khi cha mẹ già yếu, bệnh tật, con út thường trông chờ vào các anh chị lớn chăm sóc cha mẹ, còn bản thân sẽ theo đuổi lý tưởng riêng. Vốn dĩ được cưng chiều, con út thường né tránh trách nhiệm và khó khăn.
Nhà có 1 con thì sự hiếu thảo là 50/50
Với gia đình có một con thì sự hiếu thảo là do cách cha mẹ dạy dỗ con, 5 ăn 5 thua. Vì là con một nên tất cả tình thương của cha mẹ đều dành hết cho con, không có anh chị em nên những đứa con một thường dành thời gian ở một mình, thích tự giải trí và rất sáng tạo.
Là đứa con duy nhất nên thường mang tất cả hy vọng của cha mẹ, con thường rất tự tin, khả năng hòa đồng cao, hiểu ý người lớn, đồng thời gắn bó với cha mẹ. Trường hợp này con thường rất hiếu thảo.
Ảnh minh họa, nguồn: sina
Tuy nhiên vì là con một được quan tâm hết mức nên dễ hình thành tính cách tự tung tự tác, nghĩ mình là trung tâm, dễ sinh tính ích kỷ, được cha mẹ bao bọc nên đôi khi không chịu nổi những khó khăn khi lớn lên. Với những đứa kẻ ích kỷ, quen nhận hơn là cho thì khi cha mẹ già yếu, con vẫn sẽ không ý thức được trách nhiệm phải chăm sóc, hiếu thuận.
Con cái hiếu thảo hay không tùy theo cách cha mẹ đối xử với từng đứa con ở những vị trí trong gia đình như thế nào. Thường ở phương Đông, cha mẹ hay nghĩ con lớn sinh ra trước sẽ phải chăm lo cho các em sau này.
Tư tưởng này dễ thấm nhuần vào con cái, con lớn cảm thấy là trách nhiệm, gánh nặng khi phải chăm sóc các em, các em thì cho rằng mình nhận được sự chăm sóc từ gia đình là điều đương nhiên. Điều này khiến con cái dễ cảm thấy cha mẹ không công bằng, dễ sinh tính nổi loạn, ghét hoặc xa lánh.
Mỗi đứa con nên được yêu thương như nhau, trách nhiệm, bổn phận với anh chị em trong nhà cũng nên xuất phát từ tình yêu thương, không phải từ sự ép buộc của cha mẹ.