Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên của một đời người, có người không may qua đời khi còn rất trẻ nhưng cũng có người có thể sống lâu khỏe mạnh. Như câu chuyện của gia đình 4 anh em ruột mình mới đọc trên báo dưới đây mà ngưỡng mộ quá cả nhà ạ, 4 anh em thì người vừa 100 tuổi người hơn 90 mà vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn, da dẻ hồng hào.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tuổi thọ của nam giới nói chung thấp hơn so với nữ giới. Cụ thể, như mình có tìm hiểu thì theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi. Trong đó, tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam giới, cụ thể nữ là 76,1 tuổi, còn của nam giới là 71,1 tuổi. Vào năm 2019, khoảng cách tuổi thọ trung bình của hai giới là 5,3 tuổi.
Nhưng mà hôm nay, tình cờ mình có đọc được bài báo chia sẻ về câu chuyện 4 anh em ruột một nhà thọ gần 100 tuổi, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn mà ngưỡng mộ lẫn tò mò không biết bí quyết sống thọ của các cụ là gì. Cụ thể thì đây là gia đình của cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh, 100 tuổi, cùng ba người em trai hơn 90 tuổi quê ở thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang.
Được biết, cụ Quỳnh có ba người em trai là Nguyễn Ngọc Giao, 98 tuổi, Nguyễn Ngọc Hoàn, 95 tuổi và Nguyễn Ngọc Can, 91 tuổi. Đại gia đình có hơn 300 con, cháu, chắt, sống và làm việc ở nhiều tỉnh, thành phố. Đặc biệt, cụ cho biết điểm chung và có thể là bí quyết sống thọ của cả bốn anh em là luôn duy trì thái độ sống tích cực, ăn ngủ khoa học, tập luyện thể dục thường xuyên và không hút thuốc lá.
Ngoài ra, ở tuổi xưa nay hiếm, hằng ngày cụ Quỳnh đọc sách không cần đeo kính, dịch chữ Hán, sáng tác thơ. Cụ thường xuyên gặp các em để hỏi thăm sức khỏe, cùng nhau bình phẩm về những bài thơ mới viết. Theo cụ ông đây là cách để rèn luyện trí nhớ, giúp đầu óc luôn minh mẫn.
Với cụ Nguyễn Ngọc Giao, cụ cũng cố gắng duy trì thói quen tốt giống anh trai, mỗi ngày cố gắng đọc vài trang sách bởi cụ coi đó là nguồn sống quý giá. Ngoài ra cụ còn đam mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian và Phật giáo. Bên cạnh đó, cụ Giao cũng rất quan tâm đến rèn luyện thể lực như duy trì thói quen đi bộ 1.000 bước quanh sân nhà buổi sáng và chiều mỗi ngày. Cụ ăn đủ ba bữa vào những khung giờ cố định như sáng trước 8h, trưa trước 11h và tối trước 19h.
Mỗi khi bị bệnh, cụ cũng ít khi dùng thuốc tây nếu không có chỉ định của bác sĩ mà thường ra vườn hái các cây thuốc tự trồng như lá mơ lông, ổi, sả, gừng. Ngoài ra cụ Giao luôn giữ thái độ sống tích cực, vui vẻ, không oán hận ai, không giận hờn ai "tư tưởng thoải mái là liều thuốc tự nhiên nhất".
Còn với người em thứ ba của cụ Quỳnh, không chỉ rèn luyện trí não và thể chất, cụ cho rằng điều quan trọng nhất là luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, không thù ghét hay nói xấu ai. Các cụ đều khuyên nhau, tinh thần khỏe thì thể chất mới khỏe.
Riêng cụ út Nguyễn Ngọc Can ở tuổi 91 vẫn còn đủ sức khỏe để tham gia nhiều hoạt động tại địa phương như hội người cao tuổi, hội hưu trí... Thời gian rảnh, cụ còn ra vườn cuốc đất trồng rau, cung cấp đủ thực phẩm cho gia đình mình cũng như các con ở xa. Chia sẻ về bí quyết sống thọ, cụ Can nói ở tuổi nào cũng phải lao động cả chân tay và cả trí óc, phải suy nghĩ và hoạt động xã hội để hạn chế nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ, đồng thời cải thiện sức khoẻ vận động.
Dù cụ cùng 3 anh trai tuổi đã cao nhưng nhờ lối sống lành mạnh, rèn luyện trí nhớ nên cả 4 cụ đều không quên tên bất kỳ ai, con cháu nhà nào, thuộc đời thứ mấy.
Đọc qua câu chuyện của gia đình cụ Quỳnh trên đây mà 9 phần ngưỡng mộ, 10 phần ao ước có thể sổng đời khỏe mạnh, an nhiên được như các cụ, cả nhà nhỉ? Rõ ràng các bí quyết trường thọ của các cụ điều rất cơ bản, ai cũng làm được nhưng liệu có ai duy trì những thói quen tốt trên đây thường xuyên.
Hơn nữa theo mình thấy, các yếu tố tâm lý nhất định có ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thọ, mọi người ạ. Trước đây, một số nghiên cứu từng phát hiện những người lạc quan hơn có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính thấp hơn và nguy cơ tử vong sớm thấp hơn.
Các chuyên gia cho biết tinh thần tích cực không đồng nghĩa với phớt lờ các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi điều tiêu cực xảy ra, những người lạc quan ít khi tự trách bản thân. Họ thường cho rằng trở ngại này chỉ ra tạm thời. Họ tin mình có quyền kiểm soát số phận, tạo ra những cơ hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Theo các nhà nghiên cứu, những người sống lạc quan, tích cực có khả năng đương đầu tốt hơn với áp lực, điều này có thể làm giảm những tác động xấu đối với sức khỏe thể chất của họ.
Những người này cũng có khả năng đặt mục tiêu tốt hơn cho bản thân với niềm tin rằng họ có thể đạt được những mục tiêu hợp lý mà mình xác lập ra. Thái độ sống tích cực cũng khiến họ luyện tập đều đặn, ăn uống lành mạnh và có sức khỏe tốt hơn về lâu dài.
Để học cách sống lạc quan, tích cực hơn, bạn hoàn toàn có thể tiếp cận với bộ môn thiền, các liệu pháp nhận thức - hành vi mà giới tâm lý học vẫn thường sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân. Việc viết lách có thể khuyến khích con người có thêm những cách tiếp cận tích cực đối với cuộc sống.