Việc đề xuất BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng quả thật là một tin vui đến với các gia đình có trẻ điều trị dài ngày, đồng thời tạo điều kiện để mọi trẻ nhẹ cân, non tháng đều được hưởng sữa mẹ, cả nhà nhỉ?

Cha mẹ nào cũng mong con khỏe mạnh, đủ ngày đủ tháng chào đời. Thế nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy, nhất là những người mẹ không may có con sinh non vì nhiều lý do. Đó là một hành trình gian nan, mệt mỏi, nhiều nước mắt nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương và hy vọng. Có lẽ, chỉ có những người mẹ đã trải qua hoàn cảnh này mới thấu được những vất vả của những cặp vợ chồng có con sinh non.

Bởi thế mà nay em đọc được trên trang VNE thông tin về việc "đề xuất BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng" mà vui quá cả nhà ạ, chia sẻ lên đây để mọi người cùng nắm và lan tỏa thông tin tích cực này đến với các gia đình có trẻ đang điều trị dài ngày, đồng thời tạo điều kiện để mọi trẻ nhẹ cân, non tháng đều được hưởng sữa mẹ nhé!

hình ảnh

Cụ thể thì trên trang VNE có đưa tin rằng, mỗi năm nước ta có khoảng 35.000 trẻ cần sử dụng sữa mẹ thanh trùng, vì thế mà Bộ Y tế đề xuất BHYT trả chi phí này, ước tính 30,8 tỷ đồng hàng năm. Thông tin trên được bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho biết tại Hội thảo tham vấn ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chiều 16/4 vừa rồi đấy cả nhà.

Trang này có chia sẻ thêm, việc điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT cần phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn. Trong dự án sửa đổi luật lần này, Bộ Y tế đề xuất các chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng,... thuộc phạm vi được hưởng BHYT.

"Các chế phẩm này không phải là thuốc nhưng dùng để điều trị bệnh, đã được quy định trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới, các hội y khoa thế giới", bà Trang nói, thêm rằng ước tính giá thành một lít sữa mẹ thanh trùng đạt tiêu chuẩn sử dụng là 1,5 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm quỹ BHYT chỉ cần thanh toán 30,8 tỷ đồng, tương đương 0,46% quỹ. Đây là số tiền nhỏ, không ảnh hưởng đến quỹ.

Mọi người biết không, trên thế giới ước tính cứ 10 trẻ thì có một trẻ sinh non. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,4 triệu trẻ chào đời sống mỗi năm, trong đó 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khuyến cáo khi trẻ không được ăn sữa mẹ đẻ thì sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn tối ưu. Ngoài giá trị dinh dưỡng, sữa mẹ đã được chứng minh là "thuốc" giúp cứu sống trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, bệnh lý cần chăm sóc tích cực trong những ngày tháng đầu đời.

Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá BHYT trả chi phí sữa mẹ thanh trùng sẽ tạo điều kiện để mạng lưới ngân hàng sữa mẹ được vận hành tối đa công suất. Mọi trẻ sinh non, mắc bệnh lý, chưa có sữa mẹ đẻ sẽ được tiếp cận sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, góp phần giảm chi phí gánh nặng bệnh tật với trẻ và quỹ BHYT.

Bởi thế mà khi có thông tin đề xuất BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là em phải chia sẻ lên đây cho mọi người ngay và luôn, chính sách này mà được thông qua là sẽ san sẻ gánh nặng cho rất nhiều những gia đình có trẻ sinh non, nhẹ cân điều trị dài ngày, tạo điều kiện để nhóm trẻ này được hưởng sữa mẹ.

Ngoài ra em cũng muốn tâm sự thêm rằng các mẹ đang mang thai cũng cần trang bị những kiến thức quan trọng để mà phòng ngừa việc sinh non nhé! Mặc dù có nhiều loại thuốc ngăn chặn chuyển dạ sinh non đã được đưa vào sử dụng nhưng kết quả không phải lúc nào cũng thành công do đó vấn đề phòng ngừa sinh non vẫn tốt hơn là điều trị.

Theo đó, việc phòng ngừa chuyển dạ sinh non cần chú ý nhất là ở những thai phụ có tiền căn sinh non và cổ tử cung mở sớm. Thai phụ cần được bác sĩ xác định xem có nguy cơ cao hay không dựa vào các yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội, tiền căn sinh sản, thói quen hằng ngày, các biến chứng của thai kỳ này…

Các biện pháp tổng quát:

- Chăm sóc tiền sản, đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ. Sự thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân của chuyển dạ sinh non theo tài liệu dịch tễ học.

- Tập thể dục nhẹ không có hại tuy nhiên cần phải tránh sự luyện tập quá mức trong lúc mang thai nhất là ở những thai phụ có nguy cơ cao.

- Những cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm vì vậy cần tránh giao hợp trong những thai kỳ có nguy cơ sinh non. Trong những thai kỳ bình thường (không thuộc nhóm thai kỳ có nguy cơ cao) cũng nên tránh giao hợp trong những tuần lễ đầu và bốn tuần lễ cuối của thai kỳ.

- Nhiễm trùng đường tiểu như viêm bể thận - thận thường kết hợp với tần số gia tăng của sinh non phải được loại trừ.

- Sốt cao cấp tính do bất kỳ bệnh lý nào cũng có thể gây sinh non nên phải được điều trị nhanh chóng và tích cực.

- Những bệnh lý nội khoa như cao huyết áp, tiểu đường cần được theo dõi và điều trị thích hợp sẽ tránh được nhiều trường hợp phải chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm.

hình ảnh

Các biện pháp đặc biệt:

- Thai phụ có nguy cơ sinh non nên nằm nghỉ: Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn rằng việc này có thể ngăn ngừa sự khởi phát của chuyển dạ sinh non.

- Chế độ chăm sóc tiền sản đặc biệt. Thai phụ cần được theo dõi và thăm khám hàng tuần ở chuyên khoa thai kỳ có nguy cơ cao, được giáo dục và đánh giá tiền sản thường xuyên. Những chương trình này hạ được tỷ lệ sinh non.

- Thuốc giảm co ß adrenergic được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn sinh non ở những thai phụ có nguy cơ cao. Tuy nhiên, thuốc giảm co có thể không tốt trong những trường hợp đa thai.

- Khâu vòng cổ tử cung trong những trường hợp hở eo tử cung…

- Khi có những triệu chứng báo hiệu của chuyển dạ sinh non như ra dịch âm đạo bất thường (dịch nhầy cổ tử cung hoặc nhớt hồng), đau thắt lưng, trì nặng bụng, chuột rút, đau quặn ruột có thể kèm tiêu chảy thai phụ cần đến khám ngay, vì nếu được chẩn đoán sớm (ở giai đoạn tiềm thời) là cơ hội tốt để điều trị đạt hiệu quả.