Nuôi con bây giờ các phụ huynh phải biết các cách xử lý vết thương hay tai nạn nha. Chứ bọn trẻ con thì cứ sơ sảy cái là kiểu gì cũng bị này bị kia. Như trường hợp cháu bé 4 tuổi quê Đồng Nai em mới đọc được trên báo, đang chơi với bạn sau nhà thì bị lửa cồn đốt bỏng nặng khắp người. Đọc mà xót vô cùng.

Cụ thể, theo như trang VNE có đưa tin, bé gái này đang chơi cùng bạn sau nhà, người thân phát hiện lửa bùng lên bén vào người, bỏng nặng nhiều vùng thân thể. Đưa từ Đồng Nai vào viện với tình trạng sốc, bỏng nặng vùng đầu, ngực, đùi, mông và hai tay. Sau khi bác sĩ chống sốc, xử trí cấp cứu, trẻ tiếp tục được điều trị, theo dõi tích cực tại viện.

Gia đình này cũng cho biết là không chứng kiến tai nạn, chỉ phát hiện khi lửa từ cồn đã bén vào người bé, dập lửa và đưa đi bệnh viện.

hình ảnh

Ảnh VNE/ Bệnh viện cung cấp

Và theo như BS.CK1 Ngô Hồng Phúc, Phó Khoa Bỏng Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 có chia sẻ trên VNE, em xin phép được trích lại cho mọi người cùng đọc đó là cồn vốn là chất dễ cháy, dễ bắt lửa, thường gây cháy nổ nghiêm trọng. Bỏng do cồn là một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ, xảy ra khi trẻ sử dụng các chất hóa học, thích khám phá, tìm hiểu và thử nghiệm. Phần lớn các sự cố xảy ra khi không có người lớn bên cạnh.

Ngoài ra, bác sĩ có khuyến cáo các gia đình khi phát hiện trẻ bỏng, nên bình tĩnh và đưa trẻ ra khỏi khu vực gây bỏng. Loại bỏ quần áo hoặc vật dụng gây bỏng nếu có thể nhưng không cố gắng kéo ra nếu chúng bám vào da. Làm mát vết bỏng bằng cách đưa chỗ bỏng vào vòi nước đang chảy với áp lực vừa phải khoảng 15 phút. Không sử dụng đá hoặc nước đá lạnh trực tiếp lên vùng da bỏng.

Sử dụng gạc, khăn hoặc vải sạch để choàng lại vết thương, phòng ngừa nhiễm khuẩn và giảm đau. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục sơ cứu và điều trị. Trong thời gian đó, giữ ấm cho trẻ bằng cách che chắn hoặc đắp thêm chăn mền.

Lưu ý trong khi sơ cứu vết bỏng, tránh sử dụng các loại thuốc dân gian, mỡ trăn, nước mắm hay kem đánh răng, vì có thể gây nhiễm trùng và kéo dài quá trình điều trị. Các bậc làm cha, làm mẹ cũng cần chú ý và cảnh giác đối với các hóa chất có thể gây cháy nổ, gây bỏng. Để những chất này xa tầm với của trẻ, tránh những sự cố đáng tiếc do bỏng.

Trước đó, em có đọc được trên trang Dân Trí cũng xảy ra một trường hợp trẻ bị bỏng lửa cồn 93% tử vong hết sức đau lòng luôn, cả nhà ạ. Bé này 5 tuổi, quê Quảng Bình. Lúc đưa vào viện thì đang trong tình trạng bỏng lửa cồn toàn thân. Theo lời kể của gia đình, thời điểm xảy ra sự việc, bé cầm chai cồn chạy chơi và xịt trúng vào đống lửa đang cháy, khiến cơ thể hóa thành "ngọn đuốc sống".

Lúc đấy các bác sĩ xác định ngoài bỏng nặng độ 2-3 diện tích 93%, bé K. còn bị sốc, suy hô hấp do bỏng đường thở. Quá trình điều trị, bệnh nhi được đặt nội khí quản, dùng kháng sinh cao hết mức, thuốc vận mạch mạnh, hỗ trợ tuần hoàn, cho thở máy cùng hàng loạt biện pháp can thiệp khác.

Trên trang này có thông tin thêm, dù bé đã qua nhiều tuần được can thiệp tích cực, 20% da bệnh nhi lành lại. Mẹ bé là chị H. cũng hiến toàn bộ da đùi, để các bác sĩ ghép da cho con, với hy vọng sau ca mổ, K. có thể vượt qua cơn nguy kịch. Dẫu vậy, không có phép màu nào đã xảy ra, em bé đã ra đi trong sự đau xót của các bác sĩ và gia đình.

Từ hai trong số nhiều trường hợp đau lòng do bỏng lửa cồn trên đây mới thấy, phụ huynh mình cần để ý đến các con nhiều hơn, cả nhà nhỉ? Mà chưa kể, bỏng cồn là loại bỏng rất nguy hiểm vì nó rất dễ bắt cháy và lây lan ra các vật liệu khác. Đồng thời, lửa cồn màu xanh nên rất khó nhìn thấy lúc lửa nhỏ khiến nhiều người không để ý vô tình tiếp thêm cồn dẫn đến lửa sẽ bùng lên và gây ra tai nạn.

hình ảnh


Ảnh minh họa

Em có tham khảo thêm trên trang VTV Sức Khỏe những lưu ý quan trọng về việc phỏng cồn ở trẻ nhỏ, mọi người đọc để biết thêm nhé!

Khi trẻ bị phỏng cồn cần:

- Nhanh chóng tách trẻ ra khỏi tác nhân gây phỏng.

- Dùng nước để dập lửa và cởi bỏ quần áo bị cháy nếu có thể.

- Ngay khi trẻ bị phỏng, thân nhân cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị phỏng). Nếu trẻ bị phỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt; nếu vùng bị phỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị phỏng.

- Dùng băng gạc băng chỗ phỏng và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời ngay sau khi sơ cứu.

- Tuyệt đối không chủ động làm vỡ vùng da bị rộp nước; không bôi dầu, kem đánh răng, rượu hay đắp các loại lá, loại thuốc không đúng, không đảm bảo sạch lên vết thương gây nguy hiểm cho trẻ vì sẽ làm tổn thương nặng thêm, dễ viêm nhiễm lan rộng ra và nhiễm trùng nặng.

Để dự phòng tai nạn đáng tiếc xảy ra, người nhà cần:

- Không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn, đặc biệt là nấu bằng cồn. Chú ý trông chừng trẻ khi ngồi trên bàn ăn có bếp lò dùng cồn để nấu.

- Cần hết sức chú ý thường xuyên trông trẻ khi nấu ăn để tránh trẻ đột ngột chạy đến bếp nấu.

- Đối với những trẻ đã nhận thức được, cần cho trẻ biết những hiểu biết cơ bản để phòng tránh các tai nạn gây nên phỏng. Hướng dẫn cho trẻ những điều cần làm nếu không may xảy ra tai nạn.

- Nên học kỹ thuật sơ cứu để hạn chế tổn thương khi trẻ không may bị phỏng cồn.